(VOV5) - Việc xây dựng thành công hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia mới chỉ là thành công bước đầu.
Việc công bố chính thức cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về căn cước công dân là điểm nhấn quan trọng, là một bước tiến trong tiến trình Việt Nam đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực.
Đây là sự kiện quan trọng, góp phần khẳng định những nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Xây dựng cơ sở sữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về căn cước công dân là hai dự án đầu tư công quy mô lớn, khó khăn, phức tạp và được đưa vào sử dụng hiệu quả trong thời gian ngắn. Sự vào cuộc của các cấp các ngành, sự hưởng ứng của người dân, cho thấy đây là các dự án hợp lòng dân. Phát huy hiệu quả thật tốt các cơ sở dữ liệu này để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thực sự là mục tiêu của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm tham dự và chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Trọng Phú/ VOV |
Bước tiến mới trong tiến trình quản trị quốc gia
Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trong đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2012 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đã xác định: “ Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp, người dân”.
Thực hiện chủ trương này, Bộ Công an đã nỗ lực huy động phát huy trí tuệ và sức mạnh trong và ngoài ngành, triển khai quyết liệt, tích cực, sáng tạo, hiệu quả hai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Đến nay, Bộ Công an đã xây dựng được Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đại, kết nối đường truyền đến tận cấp xã, bảo đảm an ninh, an toàn theo đúng nguyên tắc đã đề ra, cập nhật vào hệ thống hơn 100 triệu thông tin dân cư và cấp số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng kết nối với các bộ, ngành, địa phương để góp phần phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử.
Kết quả này có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại, quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân, tạo điều kiện để triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời cũng góp phần đổi mới công tác quản lý con người, quản lý nhà nước theo hướng hiện đại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) và các đại biểu xác thực điện tử, kích hoạt vận hành chính thức hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên so với khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra sâu rộng, tác động toàn diện và sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là một xu thế tất yếu. Nghị quyết của Chính phủ ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “ Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả”. Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 cũng xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: “Xác định dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sớm để dẫn dắt, liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu trong cơ quan nhà nước về các ngành, lĩnh vực”. Đây là những nhiệm vụ quan trọng, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài.
Để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam có kế hoạch tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên ở một số lĩnh vực, trong đó có chuyển đổi số, so với khu vực và thế giới. Việt Nam cũng có kế hoạch huy động mọi nguồn lực, sức mạnh tham gia xây dựng và phát triển hạ tầng số và đảm bảo an ninh, đồng thời tạo điều kiện cho người dân và các doanh nghiệp thuận lợi, an toàn, tiếp cận tài nguyên số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn. Việc sử dụng tài nguyên dữ liệu một cách thiết thực, hiệu quả, có tính kết nối, liên thông cao không chỉ thực hiện công tác quản lý và phục vụ con người mà còn phải phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và các nhiệm vụ cấp bách khác, tương tự như công tác phòng chống đại dịch Covid 19 hiện nay.
Việc xây dựng thành công hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia mới chỉ là thành công bước đầu. Đưa cơ sở dữ liệu này đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng là mục đích của quản trị quốc gia và của Đảng, Nhà nước Việt Nam lúc này.