Công đoàn lao động Việt Nam với nhiệm vụ tạo ra việc làm xanh

(VOV5) - Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa khởi động trên quy mô toàn cầu chương trình thúc đẩy việc làm xanh, coi đây là giải pháp đồng bộ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu và tạo ra các nguồn lực xã hội cho từng quốc gia. Tại Việt Nam, các cấp công đoàn Lao động ngày càng chú ý đến nhiệm vụ tạo ra việc làm xanh theo chương trình của ILO và đáp ứng yêu cầu của việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

Công đoàn lao động Việt Nam với nhiệm vụ tạo ra việc làm xanh - ảnh 1
Ảnh: Internet

 Hiểu theo nghĩa rộng, việc làm xanh là những việc làm đóng góp vào việc bảo vệ và giữ gìn chất lượng môi trường, đảm bảo cho xã hội phát triển bền vững cho cả hiện tại và tương lai, thực hiện công bằng và bình đẳng cho mọi người. Tạo ra việc làm xanh bao gồm: xanh hoá việc làm hiện tại, chế tạo thiết bị, dụng cụ bảo vệ môi trường, phát triển những ngành nghề xanh mới và những việc làm được tạo ra để giảm thiểu và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, nếu chính sách tạo việc làm xanh được phát triển vì lợi ích của những người bị tổn thương nhất trong xã hội, để họ có thêm thu nhập và các cơ hội việc làm với các điều kiện làm việc được cải thiện, đồng nghĩa với thành công trong xoá đói giảm nghèo, tăng cường bình đẳng, đoàn kết xã hội và đẩy nhanh phát triển bền vững. Ông Lê Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết:Ở Việt Nam, tiềm năng tạo ra việc làm xanh rất lớn vì Việt Nam cần thực hiện những bước đi đầu tiên và đúng hướng trong tăng trưởng xanh, ví dụ như việc phát triển bền vững được lồng ghép trong kế  hoạch phát triển xã hội 10 năm tới. Chúng ta đang trải qua gần 2 thập kỷ tăng trưởng xanh, mang lại những tiến bộ đáng kể trong phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội cũng như trong thực hiện những mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta cũng cần quan tâm hơn đến những mục tiêu về môi trường, chẳng hạn như cung cấp nước, vệ sinh môi trường, giảm mức độ thải loại cac bon trên một đơn vị thu nhập quốc dân.

Là một nước thu nhập trung bình, Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức mới trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo công bằng xã hội. Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh, theo đó các cấp công đoàn sẽ tham gia trực tiếp vào việc xây dựng nền kinh tế xanh và tạo ra việc làm xanh. Ông Mai Đức Chính, Phó Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, khẳng định Công đoàn Việt Nam tích cực hưởng ứng Chiến lược này. Ông nói:Chúng tôi nhận thức và xác định rõ rằng kinh tế xanh là nền kinh tế vô cùng cần thiết, trong thời gian khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng sinh thái của Việt Nam. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xây dựng Chiến lược cụ thể của công đoàn VN về việc tạo ra việc làm xanh để tham gia một cách thiết thực và hiệu quả với Chính phủ trong quá trình chuyển và thực hiện nền kinh tế xanh để vừa tăng cường sức mạnh của nền kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội. Xây dựng một nền kinh tế xanh với các việc làm xanh sẽ góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe của người lao động, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, tăng trưởng thu nhập, đảm bảo việc làm bền vững và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ mới thân thiện với môi trường, công nghệ về năng lượng tái tạo, tái sinh, công nghệ sạch, hiện đại làm tăng năng suất lao động nhưng sẽ dẫn đến nguy cơ cắt giảm việc làm, chuyển đổi cách thức làm việc, đòi hỏi phải đào tạo lại, gây khó khăn cho người lao động. Đây rõ ràng là những thách thức không nhỏ đối với người lao động, nhất là người lao động ở các nước đang phát triển như Việt Nam.Vì vậy, Công đoàn Lao động Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm xanh và xây dựng nền kinh tế xanh. Tiến sỹ Lê Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, nhấn mạnh: Nhiệm vụ của các cấp công đoàn là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho công nhân lao động về việc làm xanh, tham gia đánh giá tiềm năng việc làm xanh, những bất ổn về việc làm tiềm ẩn trong việc thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc các ngành, sử dụng công nghệ thân thiện môi trường, giam gia xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực việc làm xanh, nhằm xây dựng một đội ngũ chuyên môn kỹ thuật cao, từ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học đến công nhân lành nghề và tham gia xanh hoá nơi làm việc.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác là các cấp công đoàn cơ sở phải tham gia vận động công nhân viên chức, người lao động chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động của Ngày môi trường thế giới, xử lý ô nhiễm môi trường nước, chất thải rắn, trong mỗi doanh nghiệp, kết hợp bảo vệ môi trường với an toàn vệ sinh lao động, cải thiện môi trường và điều kiện lao động. Ngoài ra, các trường, Viện nghiên cứu trong hệ thống Công đoàn cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu về chống ô nhiễm môi trường; giảm độc hại, tiếng ồn, các kỹ thuật làm trong sạch môi trường khu công nghiệp, sử dụng vật liệu tái tạo, năng lượng sạch; nâng cao hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động; nghiên cứu về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh để tạo thêm nhiều việc làm xanh cho người lao động./.

Phản hồi

Các tin/bài khác