Cùng hành động, kiến tạo tương lai hòa bình, thịnh vượng

(VOV5) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất.
Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79, khai mạc hôm qua (22/9), tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp…, tham dự. Tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài phát biểu khẳng định thông điệp của Việt Nam đóng góp tích cực, hiệu quả vào các nỗ lực chung nhằm xây dựng thế giới hòa bình, phát triển bình đẳng vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân loại.
Cùng hành động, kiến tạo tương lai hòa bình, thịnh vượng - ảnh 1Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ - Ảnh: VOV

Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai diễn ra với chủ đề “Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn”. Hội nghị có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo đến từ hơn 130 quốc gia. Dựa trên những nội dung đã được xây dựng và sẽ được trao đổi tại hội nghị, các quốc gia thành viên dự kiến thông qua Thỏa thuận vì Tương lai. Đây là một văn kiện nhằm thúc đẩy hợp tác toàn cầu và ứng phó hiệu quả thách thức vì lợi ích của mọi người dân và các thế hệ tương lai.

Lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm

Phát biểu tại phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng trí tuệ con người đã giúp thay đổi thế giới và cuộc sống con người, song cũng chính con người là tác nhân gây ra nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sự suy kiệt tài nguyên hay chế tạo các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt... Nhấn mạnh những lựa chọn ở hiện tại sẽ định hình tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất: "Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất của chúng ta. Thành tựu khoa học, công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện, không ngừng cải thiện đời sống, bảo đảm lợi ích và hạnh phúc của nhân loại và vì thế hệ tương lai. Thành tựu khoa học công nghệ cần thúc đẩy hợp tác, không trở thành công cụ chống lại các quốc gia, đi ngược lại khát vọng hoà bình, phát triển, công bằng và công lý của các dân tộc. Thành tựu của trí tuệ con người phải tập trung vào phát triển kinh tế, xây dựng xã hội công bằng, văn minh, nâng cao chất lượng sống người dân, xóa đói giảm nghèo".

Để làm được điều đó trong giai đoạn mang tính bước ngoặt này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi cần tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ; giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hoà bình; tăng cường đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu trong các lĩnh vực phục vụ con người như y học, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các giải pháp để phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân.

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: "Các nước lớn cần hành xử có trách nhiệm, phải chia sẻ thành tựu chung trong nghiên cứu khoa học công nghệ để cùng phát triển. Liên Hợp Quốc, các tổ chức khu vực, trong đó có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải đi đầu với sứ mệnh thúc đẩy hợp tác, phối hợp hành động trong ứng phó với các thách thức toàn cầu và tận dụng những cơ hội có được từ tiến bộ khoa học công nghệ".

Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhận định nhân loại đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới tốt đẹp hơn, vì sự phát triển tiến bộ, công bằng xã hội, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của người dân khi tất cả cùng thống nhất nhận thức, cùng hành động, cùng nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hiệu quả.

Tìm tiếng nói chung cho các thách thức toàn cầu

Cùng với bài phát biểu, tại Hội nghị, đoàn Việt Nam và các nước đã nhất trí thông thông qua Văn kiện vì tương lai, Văn kiện số toàn cầu và Tuyên bố về các thế hệ tương lai. Đây là các văn kiện có nội dung toàn diện, đề ra những hành động, mục tiêu trên tất cả các lĩnh vực hợp tác tại Liên hợp quốc, như lời Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres khẳng định thế giới đang trong giai đoạn chuyển mình và Hội nghị Thượng đỉnh lần này là thời khắc quan trọng để đề ra những biện pháp mang tính đột phá cho những vấn đề toàn cầu. 

Với Việt Nam, đây là lần đầu tiên kể từ khi gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1977, một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam dự kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Điều này khẳng định Việt Nam ngày càng coi trọng ngoại giao đa phương mà trong đó Liên hợp quốc, với tư cách tổ chức liên chính phủ lớn nhất hành tinh, đóng vai trò trung tâm. Trong điều kiện, khả năng của mình, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực và chủ động vào Liên hợp quốc ở cấp độ trực tiếp, gián tiếp.

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 tiếp tục thể hiện sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, đưa hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc cùng các đối tác tiếp tục sâu sắc, hiệu quả.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác