(VOV5) - Dưới tác động của đại dịch, hầu hết các nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái và đạt tăng trưởng âm trong năm 2020, một kỷ lục đáng quên của nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21.
Với sức lan lây nhanh chóng vượt ngoài hầu hết các dự báo, sau một năm bùng phát, đại dịch Covid-19 đến nay đã xuất hiện tại hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 78 triệu bệnh nhân, trong đó 1,7 triệu người tử vong. Không chỉ có vậy, đại dịch còn tác động nghiêm trọng đến hoạt động di chuyển và chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái...
London phát thông điệp kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác trước các ca nhiễm tăng cao ở thủ đô của Anh ngày 20-12. - Ảnh: REUTERS
|
Dịch Covid-19 khởi phát tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) tháng 12/2019 và đến ngày 11/3/2020 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố là đại dịch toàn cầu. Với sức lây lan khủng khiếp, đại dịch đã tác động nghiêm trọng đến hầu hết mọi mặt đời sống xã hội của các quốc gia, khiến hoạt động du lịch toàn cầu tê liệt, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhiều quốc gia phải tiến hành phong tỏa toàn bộ biên giới, lãnh thổ... Đại dịch là nguyên nhân trực tiếp gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu với mức độ nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, thậm chí được so sánh với cuộc đại suy thoái kinh tế những năm 30 của thế kỷ trước, cùng nhiều hệ lụy phức tạp khác.
Khiến kinh tế toàn cầu suy thoái
Với tầm ảnh hưởng ghê gớm, đại dịch Covid-19 được cho là một trong những cú sốc kinh tế lớn nhất của thế kỷ 21. Theo dự báo hồi tháng 6/2020 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến cuối năm 2020, GDP thế giới có thể thấp hơn khoảng 8% so với giai đoạn trước khi đại dịch xuất hiện. Theo đó, thay vì tăng 3%, GDP toàn cầu sẽ giảm khoảng 5%, mức suy giảm lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. So với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 chỉ khiến GDP toàn thế giới giảm mất 0,1%, thì tác động đến thời điểm này của đại dịch đã lớn hơn rất nhiều lần.
Nền kinh tế vẫn phải loay hoay trong chính quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế. - Nguồn: AP |
Chưa dừng lại ở đó, đại dịch còn dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng là tình trạng tăng trưởng chậm và nợ cao ở nhiều nước trên thế giới. Theo dự báo mới đây của giới chuyên gia kinh tế của Viện Tài chính quốc tế (IIF): Tỷ lệ nợ/GDP sẽ tăng tới 365% trong những tháng tới, bình luận rằng đó sẽ là đợt “sóng thần nợ càn quét thế giới”. Theo IIF, cho tới cuối năm 2020, tổng nợ toàn cầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục là 277.000 tỷ USD.
Trước đó, trong báo cáo đăng trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ hồi tháng 10/2020, hai nhà kinh tế học thuộc Đại học Harvard (Mỹ) là David Cutler và Lawrence Summers đã gọi Covid-19 là virus 16 nghìn tỷ USD. Con số này là thiệt hại kinh tế ước tính của riêng nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, lớn hơn cả GDP năm 2019 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc (14,3 nghìn tỷ USD).
Dưới tác động của đại dịch, hầu hết các nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái và đạt tăng trưởng âm trong năm 2020, một kỷ lục đáng quên của nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21.
Nhiều hệ lụy nguy hiểm khác
Trong báo cáo tổng kết năm 2020, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thừa nhận thế giới có thêm khoảng 100 triệu người bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo và đây cũng là lần đầu tiên chỉ số nghèo đói trên toàn cầu tăng kể từ năm 1998. Suy thoái kinh tế khiến tình trạng khủng hoảng lương thực xảy ra ở nhiều khu vực có xung đột và nguy cơ bùng phát thảm họa nhân đạo ngày một rõ rệt. Trước đó, một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra rằng suy thoái kinh tế từ đại dịch Covid-19 có thể đẩy 130 triệu người đến cảnh chết đói vì nó phá vỡ chuỗi cung ứng thực phẩm.
Không chỉ có vậy, đại dịch Covid-19 còn gây ra sự xáo trộn trong nhiều lĩnh vực như du lịch, hàng không, giáo dục, y tế hay quan hệ quốc tế…
Về quan hệ quốc tế, đại dịch đã làm gia tăng căng thẳng giữa một số quốc gia, đứng đầu là Mỹ, với Trung Quốc. Rất nhiều cuộc khẩu chiến đã nổ ra giữa các bên liên quan đến những cáo buộc về nguồn gốc đại dịch. Theo giới phân tích, đại dịch góp phần khiến quan hệ Mỹ-Trung rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Chưa hết, đại dịch cũng gây ra sự gián đoạn hệ thống giáo dục nghiêm trọng nhất trong lịch sử khi ảnh hưởng tới gần 1,6 tỷ người học tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Về Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lo ngại những thành tựu nhân loại có nguy cơ bị xóa xổ khi 90% số quốc gia bị ảnh hưởng về y tế vì đại dịch. Một báo cáo công bố hồi tháng 8/2020 của WHO cảnh báo “những thành tựu đạt được trong lĩnh vực y tế trong hai thập kỷ qua có thể bị xóa xổ chỉ trong thời gian ngắn”.
Thế nhưng, mặt khác, đại dịch cũng thúc đẩy các quốc gia tăng cường hợp tác nhằm hạn chế tác động của đại dịch cũng như trong việc điều chế và phân phối vaccine ngừa Covid-19. Bên cạnh đó, đại dịch cũng khiến cho quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ chưa từng có trên phạm vi toàn cầu, đồng thời làm thay đổi căn bản ý thức phòng chống bệnh dịch của người dân các nước cũng như quan niệm của các Chính phủ về hệ thống y tế dự phòng...