(VOV5) - Tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay không còn là vấn đề của một địa phương, hay một quốc gia đơn lẻ nào mà đã trở thành câu chuyện của toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam.
Bảo vệ môi trường nói chung, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quyền con người đã và đang được Việt Nam thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản, trong đó có nguyên tắc Nhà nước ghi nhận và bảo vệ quyền con người được sống trong một môi trường trong lành.
Sóc Trăng phát triển rừng ven biển nhằm giảm sạt lở ven biển. Ảnh: VOV
|
Quyền được sống trong một môi trường trong lành là quyền tự nhiên của con người, là quyền rất quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống cùng với các tiêu chí dùng đánh giá chất lượng cuộc sống như thu nhập bình quân đầu người, hệ thống an sinh xã hội. Cộng đồng quốc tế thừa nhận đây là quyền quan trọng hàng đầu, là mục tiêu hoạt động bảo vệ môi trường và các quốc gia đều ghi nhận quyền này trong các văn bản pháp luật của mình. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế đó, với tư cách quốc gia đã ký các tuyên bố của Liên hợp quốc về môi trường và quyền con người, biến quyền được sống trong môi trường trong lành thành nguyên tắc pháp lý và thực tế nó đã là nguyên tắc trong pháp luật môi trường Việt Nam.
Trong số các văn bản pháp luật của Việt Nam, lời nói đầu của Luật Bảo vệ Môi trường năm 1993 nêu rõ nguyên tắc: “Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân trong việc bảo vệ môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành, phục vụ sự nghiệp phát triển lâu bền của đất nước, góp phần bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu”. Nguyên tắc này cũng được đề cập một cách gián tiếp tại khoản 2, Điều 3 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005: “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình cá nhân”. Đến Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, nguyên tắc này được quy định ở khoản 2 Điều 4: “Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành”. Đây không chỉ là nguyên tắc mà là mục đích của pháp luật về môi trường và tất cả những quy định của pháp luật về môi trường của Việt Nam đều nhằm thể hiện nguyên tắc này.
Các nội dung về bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam được xây dựng trên cơ sở nội luật hóa các điều ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên; gắn trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Theo đó, quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu được gắn với bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về môi trường. Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 của Việt Nam quy định: “Cộng đồng có quyền được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu, trừ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước”, “Cơ quan quản lý về biến đổi khí hậu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, có hai phương thức để công chúng tiếp cận thông tin về môi trường nói chung, thông tin về biến đổi khí hậu nói riêng. Đó là các cơ quan nhà nước, các cơ sở sản xuất kinh doanh… chủ động công khai thông tin theo quy định và mọi người dân đều có thể tiếp cận những thông tin này. Hai là,người dân chủ động yêu cầu cơ quan nhà nước, các cơ sở sản xuất kinh doanh cung cấp thông tin về môi trường như quyền yêu cầu cung cấp thông tin môi trường của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, của đại diện cộng đồng dân cư.
Việc bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu của Việt Nam thể hiện trong các quy định về xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường. Theo đó, quy hoạch bảo vệ môi trường phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia bảo đảm phát triển bền vững; quy hoạch sử dụng đất; bảo đảm nguyên tắc bảo vệ môi trường. Cùng với đó, việc bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu cũng gắn với xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các dự án đầu tư. Việc tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, dự án đầu tư phải dựa trên cơ sở đánh giá tác động qua lại giữa các hoạt động của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với môi trường, biến đổi khí hậu và xây dựng hệ thống giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo quyền con người ở Việt Nam.
Chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng quy định việc bảo đảm quyền con người trong biến đổi khí hậu phải gắn với quản lý phát thải khí nhà kính, thu hồi năng lượng từ chất thải, trong sản xuất và tiêu thụ thân thiện môi trường, trong phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Việc bảo đảm quyền con người cũng gắn với hoạt động khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.