Đàm phán tại Hội nghị Geneva, thắng lợi ngoại giao nhiều giá trị

(VOV5) -  Cách đây 61 năm, ngày 20/7/1954, tại Geneva, Thụy Sỹ, Hiệp định Geneva về hòa bình cho Việt Nam được kí kết. Lần đầu tiên trong lịch sử, Pháp và các nước lớn đã phải thừa nhận nền độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao kiên định, đầy bản lĩnh và tự tin của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để bảo vệ lập trường chính nghĩa và lợi ích của dân tộc.

Đàm phán tại Hội nghị Geneva, thắng lợi ngoại giao nhiều giá trị - ảnh 1
Quang cảnh Hội nghị Geneva 1954


Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 8/5/1954, Hội nghị Geneva được tổ chức theo quyết nghị của Hội nghị tứ cường giữa Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp để giải quyết vấn đề Triều Tiên và chiến tranh ở Đông Dương. Ông Trần Việt Phương, Thư ký của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Geneva, cho rằng: xuất phát điểm của Hội nghị Geneva về Đông Dương là cuộc họp của những nước lớn với lợi ích khác nhau.

Nhiều sức ép trong đàm phán

Do không hoàn toàn chủ động nên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải bước vào một Hội nghị quốc tế gồm 8 nước, 9 bên mà mỗi bên đều có những tính toán để đạt được lợi ích của riêng mình.Việt Nam đã gặp rất nhiều sức ép và khó khăn trong 75 ngày đàm phán. Ông Trần Việt Phương nhớ lại: “Trưởng đoàn Việt Nam là Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng phải hết sức chèo chống để đạt được thắng lợi. Trong phiên họp cuối cùng của Hội nghị, tất cả các trưởng đoàn đại biểu đều phát biểu ý kiến và tỏ ra hài lòng với kết quả đạt được. Người ta nhìn nhau chung quanh bàn Hội nghị. Riêng Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng chọn một hướng đứng khác tách ra hẳn nhìn về Tổ quốc Việt Nam và báo cáo với dân tộc chứ không nói với Hội nghị, báo cáo rằng đoàn đại biểu Việt Nam đã hết lòng hết sức cố gắng nhưng mới chỉ đạt được 1 nửa mục tiêu và cuộc chiến đấu của ta còn phải lâu dài, gian khổ”.

Nhà ngoại giao lão thành Hà Văn Lâu, lúc đó, được phân công cùng với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu chuẩn bị nghiên cứu các phương án đấu tranh về quân sự để chấm dứt chiến tranh. Kể về những ngày tham gia Đoàn đám phán tại Hội nghị Geneva, ông Hà Văn Lâu cho biết: Không khí trong bàn đàm phán tại Geneva vô cùng căng thẳng, đoàn Việt Nam phải tranh thủ mọi phương pháp để đấu tranh với kẻ thù. Với chiến thắng ở chiến trường Điện Biên Phủ, sự khôn khéo, giữ vững nguyên tắc " Độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ" trên bàn đàm phán của Hội nghị Geneva, Việt Nam đã buộc đối phương phải chấp nhận ký vào bản Hiệp định. Ông Hà Văn Lâu, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kể lại: “Giây phút quan trọng, đáng nhớ nhất trong quá trình đàm phán là thời gian cuối cùng ngày 19/07 khi thỏa thuận các vấn đề của hội nghị, nhất là vấn đề vĩ tuyến. Mục tiêu của chúng ta khi tham gia Hiệp định Geneva là chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, yêu cầu các nước tôn trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của ta. Khi Hiệp định được ký kết thì chúng ta đã đạt được quyền của dân tộc ta”.

Thắng lợi ngoại giao nhiều ý nghĩa

Sau 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp cùng nhiều cuộc gặp tiếp xúc song phương và đa phương bên lề, lúc 24 giờ ngày 20/07/1954, Hiệp định Geneva về hòa bình cho Việt Nam được kí kết. Pháp và các nước tham gia Hội nghị đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành 2 miền. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, người có hơn 40 năm liên tục làm công tác ngoại giao, cho rằng: Đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Geneva là cuộc đấu tranh kiên quyết, kiên định lập trường nhưng đồng thời cũng mềm mỏng, linh hoạt tùy theo tương quan lực lượng. Trong điều kiện tình hình quốc tế và tương quan lực lượng lúc đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định lựa chọn ngừng chiến, chấp nhận giải pháp ngoại giao và đất nước tạm thời bị chia cắt ở vĩ tuyến 17 để có hòa bình tạo điều kiện cho cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn đất nước 21 năm sau đó. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: “Chúng ta cũng đấu tranh ở mức rất cao, không phải lúc đầu ta chấp nhận vĩ tuyến 17 mà Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa ra phương án là vĩ tuyến 13, 14, rồi nếu vĩ tuyến 16 cũng là dưới Đà Nẵng chứ không phải sông Bến Hải. Chúng ta đã đấu tranh từng bước từng bước một để thực hiện vùng tập kết cho có lợi nhất cho cách mạng. Nhưng do tương quan lúc bấy giờ, do tình hình quan hệ giữa các nước lớn thì cuối cùng thỏa thuận là vĩ tuyến 17 là tạm thời”.

Tiếp sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva về hòa bình cho Việt Nam chiến sự ở Việt Nam là thắng lợi ngoại giao vô cùng quan trọng của quân và dân Việt Nam, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý để Việt Nam tiếp tục đấu tranh đưa cuộc kháng chiến trường kì giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của 75 ngày đàm phán tại Hội nghị Geneva của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao kiên định, đầy bản lĩnh và tự tin. Thắng lợi này cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị bởi nó đã thể hiện được truyền thống hòa bình, hữu nghị, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh: hòa bình phải gắn liền với độc lập, tự do, chủ quyền và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác