(VOV5) - Số lượng đại biểu tranh luận là tương đối nhiều. Đây là việc rất đặc biệt, thể hiện được trách nhiệm của các đại biểu.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đã khép lại sau 2,5 ngày làm việc. Từ hơn 130 nhóm vấn đề ban đầu, Quốc hội quyết định chất vấn 4 nhóm vấn đề, gồm lao động-thương binh và xã hội; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải; dân tộc. Phiên chất vấn diễn ra với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, cùng làm rõ vấn đề, cùng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt, thể hiện tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội; là dịp để cử tri và Nhân dân đánh giá năng lực, trách nhiệm, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và những người giữ chức vụ, chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn
Sự chuẩn bị kỹ càng
Công tác chuẩn bị chất vấn cho kỳ họp thứ 5 được các cơ quan của Quốc hội triển khai rất sớm, bám sát thực tiễn, dựa trên phản ánh tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân và cử tri. Vấn để được chọn để chất vấn dựa trên cơ sở thống kê các thông tin về việc trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Trưởng ngành và nội dung các nhóm vấn đề đã từng chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; căn cứ đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội về 136 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của 23 Bộ, cơ quan ngang Bộ và ý kiến, kiến nghị của cử tri. Từ những căn cứ này, Quốc hội quyết định 4 nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Đây đều là những vấn đề lớn, quan trọng, không chỉ cần thiết, cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược, lâu dài.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Việc xin ý kiến chọn nhóm vấn đề chất vấn ở kỳ họp thứ 5 được tiến hành sớm hơn so với các kỳ họp trước giúp các đại biểu Quốc hội có nhiều thời gian nghiên cứu kỹ báo cáo của các Bộ trưởng, Trưởng ngành, trên cơ sở đó chuẩn bị các nội dung chất vấn đảm bảo yêu cầu. Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nhận xét: Những số liệu thông tin mà các đại biểu Quốc hội đưa ra để chất vấn tại hội trường rất cụ thể và có nguồn, nhằm đảm bảo tính trung thực của vấn đề chất vấn. Tôi cho là rất hay.
Để lại những dấu ấn đáng chú ý
Điểm đáng chú ý của phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5 nằm ở số lượng gia tăng đáng kể của các đại biểu đăng ký đặt câu hỏi và số lượng các tranh luận lại trong các phiên chất vấn. Số lượng đại biểu đăng ký đặt câu hỏi là 454 đại biểu, tăng 31% so với kỳ họp thứ 4. Đáng chú ý, số lượt đại biểu tranh luận là 49 lượt, tăng 122%, tức tăng hơn gấp đôi so với kỳ họp trước. Điều này phần nào thể hiện quyết tâm đeo bám, đi đến cùng vấn đề chất vấn của các đại biểu Quốc hội nhằm đạt được những câu trả lời thỏa đáng, những lời cam kết trách nhiệm từ những người đứng đầu các ngành và lãnh đạo Chính phủ để đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng: Đối với một số nội dung cử tri quan tâm, các đại biểu Quốc hội cũng thể hiện tâm huyết qua việc tranh luận. Số lượng đại biểu tranh luận là tương đối nhiều. Đây là việc rất đặc biệt, thể hiện được trách nhiệm của các đại biểu, cho thấy các đại biểu rất trăn trở và đặc biệt bám sát những nội dung đó, để làm rõ vấn đề. Điều này thể hiện trách nhiệm rất sát của Quốc hội khi quyết tâm theo đuổi những nội dung còn chưa rõ, chưa thỏa mãn.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Trần Thị Vân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, nhận xét: Không khí trên hội trường rất sôi nổi. Không chỉ thể hiện qua việc có nhiều đại biểu chất vấn mà số các đại biểu muốn tranh luận ngày càng nhiều hơn. Trong quá trình tranh luận, cũng có nhiều đại biểu cùng tham gia tranh luận một vấn đề. Điều đó làm cho không khí của hội trường tăng nhiệt hơn. Tôi cho rằng phiên chất vấn rất hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Về phía người trả lời chất vấn, theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Bộ trưởng, dù là người đã “dày dạn” kinh nghiệm trả lời chất vấn hay mới tham gia trả lời chất vấn lần đầu đều thẳng thắn, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp. Nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh, đại biểu Châu Quỳnh Dao, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, cho rằng:Bộ trưởng trả lời như thế là tốt. Bởi vì bản thân Bộ trưởng cũng là người dân tộc thiểu số. Do đó, cách thể hiện cũng như những trăn trở, tâm tư và những quyết định tìm ra quyết sách làm sao để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, đưa kinh tế phát triển bền vững. Tôi cũng kỳ vọng những vấn đề mà Bộ trưởng hứa sẽ có những điều chỉnh trong thời gian tới.
Từ kết quả chất vấn cúa kỳ họp thứ 5, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10 tới), Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận việc giải quyết các vấn đề mà thành viên Chính phủ đã hứa tại phiên chất vấn. Đây vừa là cách thức “giám sát lại”, thể hiện việc đi đến cùng vấn đề đã giám sát nhằm tạo chuyển biến thực sự, đồng thời vừa là kênh thông tin rất quan trọng để Quốc hội xem xét, phục vụ việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.