Đáp án đúng để cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu

(VOV5) -Nhiều ý kiến cho rằng Hiệp ước là một thành công ngoại giao của Liên hợp quốc khi được tất cả các quốc gia thành viên, trừ Mỹ, thông qua hồi tháng 7 vừa qua.

Sau hai năm đàm phán liên chính phủ căng thẳng, Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên của Liên hợp quốc đã được đại diện 150 nước chính thức thông qua vào ngày 10/12 tại thành phố Marrakech của Maroc. Mặc dù Hiệp ước này còn đang gây nhiều tranh cãi tại nhiều quốc gia, thậm chí nhiều nước hủy bỏ Hiệp ước, nhưng có một thực tế không thể chối cãi rằng đây là vấn đề liên quan đến tất cả các nước và Hiệp ước là một lựa chọn để các nước cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Đáp án đúng để cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu - ảnh 1Hội nghị về di cư của Liên hợp quốc (LHQ) ở thành phố Marrakech của Maroc: Ảnh AP 

Hiệp ước toàn cầu về Di cư (tên đầy đủ gọi là Hiệp ước toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên) đã được tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, ngoại trừ Mỹ, nhất trí hồi tháng 7 vừa qua. Hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thể giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn thế giới.

Theo kế hoạch, sau khi được phê chuẩn, Hiệp ước toàn cầu về di cư sẽ được đưa ra bỏ phiếu thông qua tại Đại Hội đồng LHQ, dự kiến diễn ra trong ngày 19/12.

Hiệp ước ra đời là cần thiết

Trong khoảng chục năm trở lại đây, làn sóng người di cư toàn cầu ngày càng tăng nhanh, đặc biệt lượng người đổ tới châu Âu với quy mô rất lớn. Trong đó đa phần là trốn chạy khỏi các cuộc xung đột và nạn nghèo đói ở Trung Đông và châu Phi. Theo số liệu của Liên hợp quốc, kể từ năm 2000, hơn 60 nghìn người di cư đã bị thiệt mạng trên đường chạy trốn, chủ yếu thông qua đường biển. Tuy đến nay lượng người di cư qua đường biển đã giảm rõ rệt, nhưng "dư chấn chính trị" do làn sóng này gây ra vẫn rất nặng nề tại Liên minh châu Âu. Hiện hàng nghìn người di cư cũng đang tập trung ở biên giới Mexico để tìm cơ hội xin tị nạn tại Mỹ, buộc nhà chức trách Mỹ phải triển khai binh sỹ tới biên giới và tiến hành trấn áp mạnh tay. Tất cả những diễn biến này cho thấy mức độ cần thiết phải giải quyết vấn đề di cư ở cấp độ toàn cầu và đã đến lúc các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc cần thiết đàm phán một thỏa thuận về di cư một cách toàn diện.

Trong bối cảnh đó, Hiệp ước ra đời, được xem là khuôn khổ pháp lý khung cho hợp tác quốc tế trong quản lý người di cư toàn cầu. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Hiệp ước không mang tính ràng buộc về pháp lý và bao gồm một vài điều khoản cụ thể về chủ quyền, khiến việc thực thi hiệp ước này chỉ dựa vào thiện chí của những quốc gia ủng hộ. Nhiều ý kiến cho rằng Hiệp ước là một thành công ngoại giao của Liên hợp quốc khi được tất cả các quốc gia thành viên, trừ Mỹ, thông qua hồi tháng 7 vừa qua.

Đáp án đúng để cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu - ảnh 2

Người di cư. Ảnh: dw,com

Tranh cãi về tính pháp lý và ràng buộc

Tuy nhiên, mới đây, các nước Hungary, Áo, CH Séc, Ba Lan, Bulgaria và Australia đã nối gót Mỹ, liên tiếp tuyên bố rút khỏi hiệp ước này. Nguyên nhân là do một số quốc gia thành viên cho rằng hiệp ước này sẽ cho phép Liên hợp quốc áp đặt các chính sách về người di cư đối với các nước thành viên. 

Một điểm mà các quốc gia không đồng ý đặt bút phê chuẩn là Hiệp ước không phân biệt người di cư hợp pháp hay bất hợp pháp. Ngay cả khái niệm thế nào là di cư hợp pháp cũng là vấn đề gây tranh cãi khi đối với một số quốc gia Châu Âu, những người di cư vì mục đích kinh tế được coi là bất hợp pháp, gây tổn hại và là nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Hơn nữa, việc thông qua Hiệp ước di cư toàn cầu đang đồng nghĩa với việc tạo ra cơ hội cho các đảng dân túy và các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy lập luận rằng, các quốc gia đang mất quyền kiểm soát về chủ quyền và biên giới. Có một thực tế là các quốc gia quay lưng với Hiệp ước đều là những nước từ trước tới nay chưa thực hiện đủ các hành động hiệu quả để kiểm soát dòng người di cư.

Tuy nhiên, bất chấp các ý kiến tranh cãi trái chiều, Hiệp ước đã chính thức được thông qua ngày 10/12 và vai trò của Liên hợp quốc là không thể phủ nhận. Văn kiện không ràng buộc pháp lí này sẽ giúp các nước cải thiện sự hợp tác, đưa ra các hành động hướng tới giải pháp trong việc hợp tác giữa quốc gia xuất xứ, quốc gia quá cảnh và quốc gia mà người di cư đến. Trên tất cả là một mối quan hệ đối tác tốt hơn trong việc đối phó với mạng lưới buôn bán người. Dù muốn hay không, đây là vấn đề có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới lợi ích của tất cả các quốc gia vì thế Hiệp ước di cư toàn cầu không thể phủ nhận là một "đáp án đúng" để các nước cùng nhau giải quyết vấn đề cấp bách trên thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác