(VOV5) - Tình hình kinh tế - xã hội đang có những chuyển biến tích cực. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy Việt Nam không để lỡ nhịp phát triển, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Không khí lao động, nhịp độ sản xuất, giao lưu thương mại tại Việt Nam nhộn nhịp ngay từ những ngày đầu năm 2022. Đây là những tín hiệu tích cực sau một thời gian dài nền kinh tế bị ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19. Kết quả này cho thấy sự chỉ đạo linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, sự hưởng ứng, đồng tình của người dân để không lỡ nhịp phát triển của đất nước.
Nhiều địa phương của Việt Nam, nhất là những nơi tập trung các khu công nghiệp, ghi nhận không khí sản xuất, lao động khẩn trương. Các hoạt động của nền kinh tế đang dần lấy lại trạng thái bình thường, kinh doanh, dịch vụ phục hồi mạnh. Giao thương, đi lại của người dân nhộn nhịp, nhất là tại các cảng hàng không.
Những ngày này sân bay Đà Nẵng tấp nập các chuyến bay nội địa báo hiệu sự phục hồi ngành hàng không sau đại dịch. Ảnh: VOV |
Những tín hiệu tích cực
Sự đông đúc, tấp nập hành khách tại các sân bay ở các thành phố lớn, hay ở các địa phương là điểm đến du lịch, đã xuất hiện trở lại. Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tiếp tục tăng cao. Chỉ riêng ngày 6/2, sân bay đón hơn 70 nghìn lượt khách đến. Ở chiều ngược lại, có gần 32 nghìn lượt khách đi từ sân bay này. Như vậy, tổng lượng hành khách qua sân bay trong ngày 6/2 vượt 102.000 lượt khách. Đây là con số kỷ lục về lượng hành khách được Tân Sơn Nhất khai thác trong thời gian qua.
Tại khu vực miền Trung, tính từ ngày 30/1 đến ngày 5/2, Vietnam Airlines tại khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Huế, Bình Định, Quảng Bình... phục vụ hơn 1.000 chuyến bay với gần 140 nghìn hành khách. Theo ông Lê Chí Quân, Phó Giám đốc Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines tại khu vực miền Trung, những ngày gần đây đơn vị đã cảm nhận được sự phục hồi du lịch cũng như vận tải hàng không. Hiện nay số chuyến bay nội địa dần hồi phục khoảng 70% so với trước.
"Có thể thấy là ở các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Hà Nội hoặc Đà Nẵng số người đi lại rất tấp nập. Nhìn hình ảnh đấy những người trong ngành chúng tôi cảm thấy rất phấn chấn. Đấy là tín hiệu của sự khởi sắc và hy vọng trong năm 2022 mang lại sự khởi sắc mới cho ngành du lịch nói chung và ngành hàng không nói riêng.
Hoạt động sản xuất đầu năm tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Việt Nam) tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, thành phố Thuận An (Bình Dương). Ảnh: TTXVN. |
Không riêng lĩnh vực vận tải hàng không, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp cũng có những dấu hiệu khởi sắc. Tháng 1/2022, ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường tăng 28,9% và 194% so với cùng kỳ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Về sản xuất, các doanh nghiệp trên cả nước nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hàng trăm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã trở lại sản xuất nhộn nhịp ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhiều doanh nghiệp vận hành đạt công suất gần 100%. Tại Đà Nẵng, khoảng 90% doanh nghiệp tại các Khu Công nghiệp, Khu chế xuất đã hoạt động với 100% công suất. Nhiều doanh nghiệp ký được đơn hàng từ đối tác.
Trong khi đó, thị trường lao động cũng sôi động trở lại. Ước tính ban đầu của Bộ Lao động, thương binh và xã hội đến hết tháng 12/2021, thị trường lao động đã phục hồi. 95% lực lượng lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm lao động đã hoạt động trở lại. Theo lãnh đạo Bộ lao động, thương binh và xã hội, đến thời điểm hiện tại, thị trường lao động đã phục hồi nhanh chóng và ổn định tương đối.
Chủ động vào cuộc
Có được những kết quả tích cực trên là do việc Việt Nam sớm ban hành và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và những năm tiếp theo. Những chính sách này đã tạo ra động lực mới cho các cấp, các ngành, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo xung lực mới góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) Nguyễn Minh Thảo cho rằng, việc chuyển đổi phương thức chống dịch Covid-19, cùng các chính sách tài khóa, tiền tệ đã giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Cùng với đó, dư địa cho cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian tuân thủ cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều và tiếp tục được tận dụng tối đa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Tình hình kinh tế - xã hội đang có những chuyển biến tích cực. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy Việt Nam không để lỡ nhịp phát triển, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.