(VOV5) - Việt Nam có nhiều đóng góp cho một ASEAN thống nhất, đoàn kết, hòa bình, ổn định và phát triển, có tiếng nói ở khu vực và được các nước lớn công nhận.
Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 28/7/1995, trong dịp Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) ở Brunei. Suốt 28 năm qua, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967, với 5 thành viên ban đầu; phát triển dần thành một tổ chức hợp tác toàn diện và chặt chẽ, bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á và chính thức trở thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015. Với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, Việt Nam có nhiều đóng góp cho một ASEAN thống nhất, đoàn kết, hòa bình, ổn định và phát triển, có tiếng nói ở khu vực và được các nước lớn công nhận.
Đóng góp tích cực vào sự phát triển của ASEAN
Ngay sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy ASEAN kết nạp các nước Lào, Myanmar và Campuchia. Việt Nam đã trở thành cầu nối giữa khu vực Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo để đến năm 1999, giấc mơ về một đại gia đình ASEAN gồm 10 quốc gia Đông Nam Á chính thức trở thành hiện thực. Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong việc xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn trong ASEAN, như Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân; Tầm nhìn ASEAN 2020 và các kế hoạch triển khai Tầm nhìn, như: Chương trình hành động Hà Nội, Kế hoạch hành động Vientiane; Tuyên bố hòa hợp ASEAN II; Hiến chương ASEAN; Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, các kế hoạch triển khai trên từng trụ cột và nhiều thỏa thuận quan trọng khác, như: Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển.
Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn. Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN |
Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhấn mạnh những đóng góp của Việt Nam: "Kể từ khi là thành viên chính thức của ASEAN, tôi nghĩ Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng cho ASEAN. Dù giữ vai trò nước Chủ tịch ASEAN, thực hiện nhiệm vụ trong Ban Thư ký ASEAN hay là nước điều phối với các đối tác đối thoại, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam cũng luôn thúc đẩy lợi ích của các quốc gia ASEAN. Có thể nói Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, chủ động, đóng góp lớn cho ASEAN."
Không chỉ tham gia xây dựng quyết sách, trong từng giai đoạn phát triển của ASEAN, Việt Nam luôn tích cực và nghiêm túc cùng ASEAN đưa các quyết sách vào triển khai, như hiện thực hóa các tài liệu Tầm nhìn, đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống. Hiện nay, Việt Nam đã và đang cùng các thành viên ASEAN tích cực triển khai xây dựng Cộng đồng, thực hiện nghiêm túc các cam kết và đề xuất sáng kiến trong nhiều lĩnh vực. Triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên ba trụ cột của Cộng đồng, Việt Nam tiếp tục tham gia hợp tác ASEAN trên mọi lĩnh vực với mức độ và phạm vi ngày càng sâu rộng. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong hai nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp ưu tiên trong Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (sau Singapore).
Nỗ lực nâng cao vị thế và vai trò của ASEAN trên trường quốc tế
Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng trong mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN với các đối tác. Năm 2010, khi là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để Nga và Mỹ tham gia. Việt Nam cũng đảm nhận thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN với Trung Quốc, với Liên minh châu Âu (EU), với Ấn Độ và với Nhật Bản. Đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN còn thể hiện ở việc đảm nhận, đăng cai thành công các hoạt động và hội nghị quan trọng của ASEAN, qua đó góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất trong ASEAN, nâng cao uy tín của Hiệp hội và ghi dấu ấn nước Chủ tịch bằng nhiều sáng kiến, chứng tỏ bản lĩnh và vai trò dẫn dắt, chủ động của nước Chủ tịch luân phiên.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của những biến động nhanh chóng và phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, Việt Nam đã đóng góp vào quá trình xây dựng nguyên tắc, “luật chơi”, cùng ASEAN ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, thúc đẩy đối thoại, hợp tác nội khối và với các đối tác của ASEAN.
Ông Veeramalla Anjaiah, Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS). Ảnh: VOV |
Ông Veeramalla Anjaiah, Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), đánh giá: "Việt Nam đang hợp tác hiệu quả với các nước thành viên để ứng phó với các mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, đồng thời thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) năm 2019, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002. Hiện, Việt Nam cùng với quốc gia ASEAN đang tiến hành đàm phán với Trung Quốc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông. Việt Nam đoàn kết với ASEAN trong mọi cơ hội, đóng góp vào thành công của khối, đang nỗ lực hợp tác vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng của toàn khu vực."
Với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm và kiên trì các nguyên tắc của ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên nỗ lực đưa con tàu ASEAN vượt qua sóng gió, chủ động ứng phó và thích ứng với bối cảnh mới, giữ vững đà hợp tác và liên kết khu vực, khẳng định được vai trò trung tâm và nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế. Trong ASEAN, Việt Nam đã hội nhập với tâm thế ngày càng tự tin, ngày càng tích cực, chủ động, không ngừng phát huy vai trò là một đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng các nước Đông Nam Á nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.