Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho sự phát triển bền vững

(VOV5) - Trong 15 năm qua, đội ngũ trí thức Việt Nam đã đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. 

Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 10 về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, sau 15 năm triển khai, đến nay đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là việc thực hiện các chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, tôn vinh trí thức.

Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho sự phát triển bền vững - ảnh 1Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VOV

Để đầu tư cho sự phát triển bền vững đất nước trong tương lai, Việt Nam đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thúc đẩy đội ngũ trí thức phát huy hết khả năng, tính sáng tạo, năng lực trong nghiên cứu khoa học. 

Hơn 40 năm nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Tất Khương, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ, không nhớ nổi mình đã đi đến bao nhiêu vùng đất, gặp gỡ bao nhiêu nông dân.

Mỗi lần triển khai đề tài khoa học tại một địa phương ông đều mang theo kỳ vọng giúp người dân ở đó thoát nghèo. Mới đây, ông là chủ nhiệm các đề án: “Phát triển một số giống cam, bưởi chất lượng cao tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.”; “Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm một số dòng, giống bơ tại tỉnh Bắc Giang” và "Nghiên cứu mô hình sản xuất khép kín theo hướng hữu cơ một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh tại vùng Bắc Trung Bộ... Kết quả của các đề án là cơ sở quan trọng để người dân nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Tất Khương vinh dự là một trong 112 trí thức tiêu biểu được Nhà nước vinh danh năm 2019. Ông cho biết:“Chúng tôi đã nghiên cứu về nông nghiệp của từng vùng và xác định được các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của họ, giúp họ xây dựng kế hoạch, chương trình nghiên cứu để phát triển bền vững những sản phẩm nông nghiệp. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu lựa chọn ra được những cây trồng để bổ sung vào cơ cấu cây trồng cho từng vùng”.
Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho sự phát triển bền vững - ảnh 2Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực của Việt Nam. Ảnh: VOV

Không chỉ có Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Tất Khương, còn có hàng nghìn trí thức đã tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo khoa học kỹ thuật và trở thành lực lượng quan trọng thúc đẩy, hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước nhanh và bền vững thời gian qua. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27, đội ngũ trí thức Việt Nam phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, hiện là lực lượng đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực của Việt Nam, khẳng định: “Nhân tài là nguồn vốn quý của dân tộc. Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta đang rất cần lực lượng này. Họ là những trí thức tên tuổi, có những đóng góp lớn trong thời đại số hóa. Cần có chính sách để họ có chỗ đứng, đóng góp cho đất nước, tiếp sức để đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trở thành hiện thực”.

Quả vậy, để các trí thức, nhà khoa học đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nước nhà, rất cần có cơ chế, chính sách mang tính đột phá, nhất là chính sách huy động các nguồn lực, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, các nhà khoa học đầu ngành. Điều này được Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho sự phát triển bền vững”.

Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm và năng lực của trí thức trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế xã hội... là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị và toàn xã hội hiện nay. Việc tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế, huy động các nguồn lực xã hội; tôn trọng, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; có cơ chế, chính sách đặc biệt trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành, chính là tạo môi trường, điều kiện và động lực căn bản để phát triển và phát huy đội ngũ trí thức.

Tiến sỹ Khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng:“Tất cả các nước trên thế giới muốn phát triển được thì đều phải coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đấy là chủ trương lớn, chủ trương này phải thực sự được cụ thể hóa vào các chính sách, các giải pháp để ứng dụng. Đấy là phải tôn trọng trí thức, sử dụng trí thức, vinh danh trí thức và tạo điều kiện để trí thức làm việc. Ở đây không phải chỉ là đồng lương mà là điều kiện làm việc, tôn trọng họ, giao việc cho họ, quan trọng là sản phẩm nghiên cứu họ tạo ra thì phải ứng dụng”.

Trong 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 27, đội ngũ trí thức Việt Nam đã đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Phát huy thành quả này, Việt Nam đã và đang xây dựng các cơ chế chính sách đòn bẩy nhằm tiếp tục tăng cường thúc đẩy đội ngũ trí thức nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vì sự phát triển bền vững đất nước trong tương lai.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác