(VOV5) - Yêu cầu rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến càng trở nên cấp thiết rong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 hiện nay.
Tăng cường hình thức giao dịch trực tuyến, cắt giảm tối đa những thủ tục cần thiết, tạo thuận lợi tối đa để người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19 hiện nay.
Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho doanh nghiệp của Thành phố Hải Phòng. - Ảnh: Báo Đầu tư |
Trong khi các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về tài chính để ứng phó dịch Covid-19 đã được triển khai, một nội dung quan trọng khác được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đó là rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Khuyến khích sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia
Yêu cầu rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh dịch COVID - 19 có diễn biến ngày càng phức tạp. Trong hầu hết các cuộc họp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều nhấn mạnh yêu cầu này. Chủ trì phiên họp thường trực chính phủ hôm 3/ 4 vừa qua, Thủ tướng nêu rõ: “Cần thay đổi trong tư duy phương pháp làm việc hơn nữa. Đây là nguy cơ nhưng cũng là thời cơ cho phát triển cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin từ học sinh đến sinh viên đến các cấp, các ngành, đặc biệt là các ngành kinh tế số, thương mại điện tử... Đây là dịp cải cách mạnh mẽ hơn nữa để cung cấp các dịch vụ”.
Cũng ngay trong ngày 3/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng có thư ngỏ gửi các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính sử dụng dịch vụ công trực tuyến hãy truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia: “Cổng dịch vụ công mang lại lợi ích cho cả cơ quan Nhà nước và cả người dân, doanh nghiệp. Làm việc như này tiết kiệm chi phí rất lớn cho người dân, doanh nghiệp về thời gian, tiền bạc”.
Trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến ngày 1/4, các bộ, ngành, địa phương đã chuẩn hóa, công khai gần 7 nghìn thủ tục hành chính, cung cấp gần 230 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng; việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng).
Cũng từ ngày 3/4, Văn phòng Chính phủ bắt đầu hỗ trợ các địa phương tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tạo thuận lợi tối đa với những thủ tục liên quan tới kinh tế, đầu tư
Trong bối cảnh phòng, chống đại dịch toàn cầu hiện nay, trọng tâm của công tác cải cách thủ tục hành chính là cắt giảm tối đa những thủ tục không thực sự cần thiết cũng như tiếp tục thực hiện chuyển mạnh sang hậu kiểm. Đặc biệt, những thủ tục liên quan tới kinh tế, đầu tư, thương mại được tạo thuận lợi tối đa để người dân, doanh nghiệp dồn sức sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển hướng sản xuất, kinh doanh kịp thời. Đây được coi là yêu cầu cấp bách khi sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Với tinh thần trên, cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Công Thương cắt giảm, đơn giản hóa hơn 200 điều kiện kinh doanh tập trung trong lĩnh vực điện, ôtô, xăng dầu, hóa chất, bia, thuốc lá, an toàn thực phẩm….
Trong khi đó, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng rà soát, bãi bỏ một số thủ tục hành chính để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: “Đến ngày 30/6, Bộ hoàn thành hệ thống hóa các thủ tục hành chính. Thủ trưởng các đơn vị phải đôn đốc hoàn thành hệ thống hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực mình phụ trách. Theo đó, rà soát phát hiện các thủ tục hành chính, những quy trình nghiệp vụ mà thực tiễn không cần thiết để đề xuất bãi bỏ”.
Thể chế đã và đang thích ứng với những tác động do dịch COVID -19 gây ra. Trong thời điểm khó khăn này, cùng với các gói hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp, việc khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy cải cách hành chính, cắt bỏ các rào cản kinh doanh… sẽ là những động lực để sản xuất - kinh doanh sớm phục hồi.