(VOV5) - Những thông tin không mấy sáng sủa về cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lại liên tiếp xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua. Đây là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng ở lục địa già đang xấu hơn dự báo.
|
Ảnh: Internet |
Quốc gia mới nhất lọt vào danh sách ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công chính là Cộng hoà liên bang Đức, nước được đánh giá là nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Theo dự báo của Bộ kinh tế Đức, kim ngạch xuất khẩu, trụ cột chính của nền kinh tế Đức, đã sụt giảm 3,4% trong tháng 9 vừa qua. Một số doanh nghiệp lớn của nước này đã bắt đầu chính sách sa thải nhân viên. Ngay cả ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô cũng bắt đầu có dấu hiệu đuối sức khi mà các nhà sản xuất buộc phải bán rẻ sản phẩm để duy trì doanh số bán hàng. Đáng chú ý hơn, Bộ kinh tế Đức cảnh báo rằng tăng trưởng của quốc gia này sẽ trì trệ trong quý 4 năm nay và sẽ kéo dài trong 3 tháng đầu năm 2013. Trong khi đó, kinh tế Pháp cũng đang đứng bên bờ vực suy thoái khi mà Ngân hàng Pháp dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 4 sẽ tiếp tục sụt giảm 0,1%, tương tự như quý trước đó.
Trong bối cảnh ảm đạm đó, báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế châu Âu mà Uỷ ban châu Âu (EC) vừa công bố lại càng làm gia tăng mảng màu xám vào bức tranh kinh tế châu Âu. Theo dự báo của EC, kinh tế Eurozone gồm 17 thành viên sẽ giảm 0,4% trong năm 2012 vì khủng hoảng nợ công ở khu vực này đang làm giảm lòng tin và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức kỷ lục. Dự báo của EC cũng cho thấy thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha ước tăng lên tới 6,4% GDP năm 2014, bỏ xa mục tiêu 2,8% năm 2014 mà nước này đã đề ra hồi đầu năm nay cũng như mức giới hạn tương đương 3% GDP do Liên minh châu Âu (EU) đề ra. Đức chỉ đạt mức tăng 2% vào năm 2014, mức khiêm tốn hơn nhiều so với dự báo trước đó của chính EC. Hy Lạp, quốc gia vừa mới thông qua kế hoạch khắc khổ lần thứ 4 trong hơn 2 năm qua, cũng đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp ngất ngưởng do tác động của các biện pháp khắc khổ. 1/ 4 số người lao động bị thất nghiệp, nợ công của Hy Lạp hiện chiếm 170% GDP và theo dự phòng của kế hoạch khắc khổ lần này thì con số đó sẽ tăng lên 220% vào năm 2016.
Nhìn vào những số liệu trên, Ủy viên kinh tế EU, ông Olli Rehn, phải thừa nhận rằng hiện chưa có được câu trả lời dễ dàng cho các vấn đề của châu Âu.
Khủng hoảng nợ công chẳng những ảnh hưởng tới từng quốc gia là thành viên eurozone mà nó còn hệ lụy trực tiếp đến việc thiếu hụt bổ sung ngân sách cho Liên minh châu Âu. Bằng chứng mới nhất là cuộc đàm phán để thoả thuận về ngân sách của Liên minh châu Âu cho năm 2013 đã thất bại sau khi một số nước ủng hộ chủ trương thắt lưng buộc bụng từ chối lấp đầy phần thiếu hụt trong những quỹ dành cho các nước thành viên nghèo hơn. EC và Nghị viện châu Âu (EP) đã đề nghị tăng ngân sách 6,8% (lên 138 tỷ euro) trong năm 2013 nhưng các nước thành viên chỉ muốn tăng 2,8%. Cả EC và EP đều khẳng định cần có thêm tiền để thúc đẩy tăng trưởng của một Châu Âu đang rơi vào suy thoái và cải thiện tình trạng thất nghiệp đã đạt con số kỷ lục tại hàng loạt quốc gia. Không những vậy, các bên còn không đạt được thoả hiệp về việc bù đắp phần thiếu hụt 8,9 tỷ euro đã chi tiêu trong năm 2012. Lý do mà các nước tài trợ chính đưa ra là họ không thể mở rộng hầu bao đối với các khoản đóng góp bên ngoài trong khi người dân trong nước đang phải sống khắc khổ. Dư luận lo ngại rằng nếu không đạt được thoả hiệp về đóng góp cho ngân khố thì chính EU sẽ không thể hoạt động được.
Việc danh sách các nước bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang kéo dài cùng với đó là khó khăn trong việc đạt được thoả thuận chung về ngân sách của Liên minh châu Âu, xem ra cơn bão tài chính vẫn đang tiếp tục gây ra những thiệt hại không nhỏ cho lục địa già./.