(VOV5) - Đầu tháng này, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã ra phán quyết các nước châu Âu đã trợ cấp trái phép cho Airbus sau hơn 1 thập kỷ Mỹ khởi kiện
Cuộc đối đầu thuế quan giữa Mỹ và EU đang có nguy cơ bùng phát trở lại liên quan tới trợ cấp hai hãng chế tạo máy bay Airbus và Boeing. Những tranh cãi càng quyết liệt hơn sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chấp thuận để Mỹ đánh thuế hằng năm lên tới 7,5 tỷ USD nhằm vào hàng xuất khẩu từ EU. Mối quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương đang đứng trước khả năng rạn nứt nghiêm trọng và có nguy cơ trở thành cuộc chiến thương mại tốn kém và không bên nào được lợi.
Cuộc chiến thương mại này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang ở trong cuộc chiến thương mại quyết liệt với Trung Quốc và việc mở mặt trận thứ hai sẽ gây thêm bất ổn cho nền kinh tế thế giới vốn đã bị tác động tiêu cực đáng kể. Chưa kể tác động của Brexit ảnh hưởng , khuôn khổ đàm phán và thương mại đa phương, đặc biệt là của WTO, đang bị phá vỡ ở khắp mọi nơi.
"Bóng đen" của một cuộc đấu thuế quan đang hiện hữu
Đầu tháng này, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã ra phán quyết các nước châu Âu đã trợ cấp trái phép cho Airbus sau hơn 1 thập kỷ Mỹ khởi kiện. Vụ kiện châu Âu trợ cấp trái phép cho hãng chế tạo máy bay Airbus. Tuy nhiên, đây không phải là một chiến thắng hoàn toàn nghiêng về Boeing. Vụ kiện của Mỹ nhằm vào EU chỉ là một phần trong tranh chấp hai chiều, bởi EU cũng cáo buộc Mỹ trợ cấp bất hợp pháp cho Boeing. Thời gian qua, Boeing cũng gặp khủng hoảng lớn trong lịch sử 103 năm của mình sau 2 vụ tai nạn thảm khốc xảy ra với máy bay 737 Max. Nhiều khách hàng của Boeing chuyển sang mua máy bay Airbus và hiện phải đối mặt với khả năng chi phí tăng cao do thuế quan. Trong trường hợp Tổ chức Thương mại Thế giới đưa ra phán quyết về vấn đề này vào năm 2020, EU có thể sẽ áp thuế lên hàng hóa Mỹ để trả đũa các khoản trợ cấp của Washington.
Vì vậy, phán quyết mới nhất của WTO, ngoài đem lại lợi ích cho Boeing, cũng có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Đây là lần trả đũa có giá trị thiệt hại lớn nhất mà WTO từng thông qua, làm gia tăng thêm những lo ngại cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang xáo trộn bởi các cuộc chiến thương mại và làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Mỹ và EU.
Máy bay Airbus sản xuất bởi EU sẽ bị Mỹ đánh thuế theo phán quyết của WTO. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Bởi ngay sau phán quyết, chính quyền Trump tuyên bố sẽ đánh thuế 7,5 tỷ USD hàng xuất khẩu châu Âu mỗi năm. Theo thông tin từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, các biện pháp áp thuế sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18/10, chủ yếu nhằm vào 4 quốc gia trụ cột hỗ trợ cho tập đoàn Airbus, bao gồm Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha. Như vậy, các mặt hàng nông sản và trang thiết bị gồm rượu whisky, áo len, đồ len của Anh, cà phê và máy móc của Đức, rượu vang và ô liu Pháp cũng như ô liu Tây Ban Nha sẽ bị áp thuế 25%. Trong khi đó, EU cũng lập tức tuyên bố sẽ có các bước đi đáp trả tương ứng. Brussels cũng đã chuẩn bị danh sách hàng xuất khẩu của Mỹ với giá trị khoảng 20 tỷ USD để đánh thuế.
Không bên nào hưởng lợi
Có thể thấy bước leo thang căng thẳng thương mại lần này giữa EU và Mỹ là kết quả đã được báo trước, bắt nguồn từ chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump khi ông nhậm chức. Một số chuyên gia kinh tế nhận định, rất khó để phân định ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến này, nhưng chắc chắn, tranh chấp giữa hai bờ Đại Tây Dương có thể gây thiệt hại nặng nề hơn cho mối quan hệ thương mại giữa hai bên. Với Mỹ, đối đầu thương mại Mỹ-EU có thể làm suy yếu các công ty đa quốc gia của Mỹ, thu hẹp quy mô thị trường, khiến họ phải bán tài sản ở nước ngoài, kéo theo cạnh tranh quốc tế tăng cao. Ở chiều ngược lại, việc Mỹ áp thuế với các sản phẩm của EU sẽ ảnh hưởng tới khoảng 500 triệu - 1 tỷ euro hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia trong EU mỗi năm. Hơn nữa, các cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại tự do mới giữa Mỹ và EU có thể bị hủy hoại nghiêm trọng.
Không chỉ vậy, nhìn rộng hơn, kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Báo cáo do WTO công bố tuần trước cũng dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ giảm tốc xuống còn một nửa so với dự báo vào tháng 4. Những động thái châm ngòi cuộc chiến thương mại liên tiếp giữa các khối kinh tế lớn sẽ tiếp tục kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng cảnh báo rằng xung đột thương mại leo thang đang gia tăng sức ép đối với lòng tin và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, tạo ra bất ổn về chính sách, gia tăng rủi ro trên thị trường tài chính và gây nguy hiểm cho triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Nỗi lo sợ nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng hiện hữu sau hơn 1 năm căng thẳng thương mại Mỹ- Trung Quốc leo thang chưa kịp lắng thì nay, một trận chiến thương mại tốn kém khác giữa Mỹ và châu Âu là cảnh báo đáng buồn cho kinh tế toàn cầu.