Dồn mọi nguồn lực vì mục tiêu phát triển đất nước

(VOV5) - Việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV xuất phát từ chính vai trò của Quốc hội, từ đòi hỏi của cuộc sống, của tình hình đất nước.

Sáng 4/1, lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam tiến hành Kỳ họp bất thường, xem xét, quyết định 4 nội dung cấp bách nhằm thúc đẩy nhanh hơn tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch COVID - 19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Việc tổ chức kỳ họp tiếp tục khẳng định sự chủ động, trách nhiệm của Quốc hội trong tạo lập cơ sở pháp lý để giải quyết các nhiệm vụ cấp bách của đất nước.

Đây cũng là tiền đề để Quốc hội tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức kỳ họp linh hoạt hơn, nhằm thực hiện mục tiêu cao nhất là phục vụ sự phát triển của đất nước.

Dồn mọi nguồn lực vì mục tiêu phát triển đất nước - ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Ảnh (minh họa): TTXVN.

Việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV xuất phát từ chính vai trò của Quốc hội, từ đòi hỏi của cuộc sống, của tình hình đất nước. Qua đó, thể hiện một Quốc hội chủ động, linh hoạt và thích ứng với bối cảnh mới, bàn thảo và quyết định nhiều vấn đề quan trọng do đại dịch COVID-19 đặt ra, thể hiện sự đổi mới trong nội dung và phương thức hoạt động của Quốc hội, trong đó có việc tổ chức kỳ họp bất thường bằng phương thức trực tuyến.

Chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng

Việc tiến hành một Kỳ họp bất thường đã được đặt ra từ sớm. Sau Kỳ họp thứ Hai, với sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều cuộc làm việc với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và làm việc với giới chuyên gia về từng nội dung. Có nội dung được thảo luận ở diện rộng với sự tham gia của các cơ quan liên quan, có nội dung thảo luận ở diện chuyên gia, hết sức chuyên sâu. Nhiều nội dung đã được Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhiều lần.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn quán triệt quan điểm dù cấp bách nhưng phải bảo đảm chất lượng. Do đó, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp hết sức chặt chẽ để bảo đảm chất lượng trình Quốc hội. Ngay trong ngày làm việc cuối cùng của năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện thêm một bước nữa trước khi trình Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: “Chúng ta đang cần phải có một quyết sách liên quan đến phục hồi phát triển kinh tế dó đó gói tài chính tiền tệ là hết sức quan trọng, nếu như được thông qua ở những ngày đầu năm 2022 thì sẽ thúc đẩy cho tăng trưởng của đất nước trong năm 2022 và 2023, và dư âm của nó sẽ kéo dài đến hết nhiệm kỳ. Rõ ràng đó là yếu tổ để giải quyết những việc mà chúng ta thấy cần thiết, cấp bách nếu để lại kỳ họp tháng 5 thì chúng ta sẽ chậm 5 tháng.”

Mọi nguồn lực dành cho sự phát triển của đất nước

Hiến pháp của Việt Nam quy định, trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc của yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội thì Quốc hội có thể tổ chức kỳ họp bất thường ngoài kỳ họp định kỳ hàng năm. Đại dịch COVID-19 đang diễn ra là một cuộc khủng hoảng toàn cầu tác động đến tất cả các quốc gia, đặt tất cả các cơ quan, tổ chức, trong đó có Quốc hội phải thay đổi phương thức hoạt động như họp trực tuyến, bàn thảo và quyết định những vấn đề cấp bách, mới nảy sinh. Quốc hội Việt Nam không phải là ngoại lệ và cùng với Chính phủ, việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV là một sự chủ động, xuất phát từ chính vai trò của Quốc hội, từ đòi hỏi của cuộc sống, của cử tri và của tình hình đất nước. 

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ: “Khi có những việc cần thiết mà thấy cấp bách, càng giải quyết sớm thì Quốc hội sẽ tiếp tục có kỳ họp bất thường ngoài kỳ họp thường kỳ. Mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân và phục vụ cho sự phát triển của đất nước, đảm bảo thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng kịp thời vào cuộc sống, không để bị ách tắc, thể hiện sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.”

Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua 1 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Lần đầu tiên Quốc hội tiến hành một kỳ họp bất thường và cũng là lần đầu tiên một kỳ họp của Quốc hội được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến cả kỳ, điều này tiếp tục thể hiện rõ nét hình ảnh một Quốc hội hành động, đổi mới vì mục tiêu tối thượng là sự phát triển của đất nước.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác