(VOV5) - 6 tháng đầu năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng so với nhiều năm gần đây.
Kết quả trên cho thấy tính kịp thời và hiệu quả trong việc Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, địa phương cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm. Nửa chặng đường còn lại của năm 2018, tuy có nhiều khó khăn do biến động của tình hình kinh tế thế giới, nguy cơ tăng lạm phát cuối năm song kinh tế Việt Nam vẫn xuất hiện nhiều yếu tố để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Các yếu tố động lực để thúc đẩy kinh tế tiếp tục tăng trưởng là quyết tâm và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ; “sức khỏe” của ngành sản xuất tiếp tục phục hồi; khai thác các cơ chế ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do....
Tận dụng các cơ hội
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 6,7% năm 2018, Việt Nam phải tận dụng mọi cơ hội trong điều kiện thuận lợi ở cả trong nước và quốc tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo vẫn tiếp tục giữ vai trò động lực chính. Theo Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhân tố động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2017 là ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, với sự đóng góp mang tính đột phá của Samsung và Formosa trong 2 quý cuối năm. Và năm nay, tâm điểm chú ý đang hướng vào Lọc dầu Nghi Sơn: "Nếu kịp đưa dự án này vào hoạt động, có thể sẽ có động lực đột phá. Do vậy, cần tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn đi vào hoạt động".
Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá cao bởi sự nỗ lực từ cấp cao nhất. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy kinh tế phát triển. (Ảnh: WIPO). |
Cùng với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các kết quả kinh doanh cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang khởi sắc. Nhiều chỉ số thể hiện niềm tin kinh doanh trên thị trường gia tăng, nhất là số doanh nghiệp thành lập mới. Điều này cho thấy quá trình phục hồi nền kinh tế đang bắt đầu.
Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy thực hiện mạnh mẽ các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, sẽ tạo nên không gian và động lực mới cho môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh nhận định: "Công tác thị trường và mở rộng thị trường, đặc biệt là các thị trường có Hiệp định thương mại tự do và các cơ chế ưu đãi, Việt Nam đều khai thác tương đối tốt như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, ASEAN... Mục tiêu chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2018 là khả thi. Trung bình quý 3, 4 tăng trưởng xuất khẩu phải đạt 20 tỷ USD/tháng. Qua phân tích tính chất mùa vụ trong hoạt động xuất khẩu cũng như các hợp đồng mà chúng ta đã dự trù thì có khả năng sẽ thực hiện được. Kỳ họp Quốc hội cuối năm nếu thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương(CPTPP) thì chúng ta sẽ có tâm lý tốt trong thu hút đầu tư cũng như phát triển thị trường".
Thuận lợi dưới góc nhìn quốc tế
Cộng đồng quốc tế cũng đưa ra nhiều nhận định tích cực về động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm. Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khẳng định tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay hoàn toàn có thể đạt 6,8%. Kinh tế Việt Nam đang có nhiều tiến triển. Kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế. Ông Eric Sidgwickl, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam nhận định, tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi một loạt các yếu tố khác nhau trong đó có việc mở rộng lĩnh vực sản xuất chế tạo và xuất khẩu. Nhu cầu trong nước tăng cao, đầu tư cũng mạnh mẽ với chủ đạo là đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước; nông nghiệp cũng được cải thiện.
Tờ Nikkei của Nhật Bản đăng tin cho biết số lượng việc làm của Việt Nam tăng kỷ lục và Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam phục hồi tốt (tăng từ mức 53,9 điểm trong tháng 5/2018 lên 55,7 điểm trong tháng 6), trong khi của ASEAN nói chung giảm từ 51,4 điểm xuống 51 điểm. PMI cải thiện cho thấy “sức khỏe” của ngành sản xuất đã phục hồi đáng kể.
Bức tranh kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều điểm sáng tuy nhiên để đạt được kết quả này cần tiếp tục bổ sung thêm động năng mới cho tăng trưởng để vượt qua các thách thức về áp lực lạm phát cũng như tình trạng căng thẳng thương mại đang diễn ra trên toàn cầu.