(VOV5) - Những chuyến thăm cấp cao liên tục trong những ngày này và nhiều năm qua là kết quả của chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế của Việt Nam.
Hàng loạt hoạt động đối ngoại được các nhà lãnh đạo Việt Nam tiến hành trong thời gian gần đây. Điều này nhằm tăng cường hợp tác và đối thoại chiến lược với nhiều đối tác, nâng cấp quan hệ song phương với một số quốc gia, tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển... do Đại hội lần thứ XII đề ra.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga V. Putin.
Ảnh: Nhan Sáng -TTXVN
|
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đang có chuyến thăm Liên bang Nga trong các ngày từ 28/6-1/7. Trước đó, ông đã thăm Belarus trong các ngày từ 26-28/6. Trong những ngày tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm Cộng hòa Liên bang Đức, dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại thành phố Hamburg, Cộng hòa Liên bang Đức từ ngày 5 đến ngày 8/7 và thăm Vương quốc Hà Lan từ ngày 9 đến ngày 11/7, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Angela Merkel và Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte.
Kết quả của sự đổi mới nhận thức về thế giới và tư duy đối ngoại
Những chuyến thăm cấp cao liên tục trong những ngày này và nhiều năm qua là kết quả của chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế của Việt Nam. Theo chủ trương này, lợi ích và mục tiêu cao nhất về đối ngoại của Việt Nam là giữ vững hoà bình để phát triển, nghĩa là phải tạo lập được môi trường quốc tế hòa bình thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia. Tư tưởng chỉ đạo trong các hoạt động đối ngoại là: giữ vững nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đồng thời phải rất sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với vị trí, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, phù hợp với từng đối tượng Việt Nam có quan hệ. Đây cũng chính là sự kế thừa và vận dụng một cách sáng tạo quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, vừa kiên định về nguyên tắc chiến lược, vừa mềm dẻo, linh hoạt về sách lược của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: TTXVN |
Triển khai đường lối đối ngoại đổi mới sáng tạo và đúng đắn, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, giữ vững môi trường hòa bình, quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng, vị thế đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam ngày càng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy, củng cố xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại rộng mở
Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 177 nước, trong đó bao gồm tất cả các nước lớn, có quan hệ thương mại với hơn 220 nước và vùng lãnh thổ, là thành viên chính thức của tất cả các tổ chức quốc tế lớn, các tổ chức và định chế thương mại, tài chính chủ chốt ở khu vực cũng như trên thế giới. Cả nước thu hút được hơn17 nghìn dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 170 tỷ USD. Bên cạnh các thị trường chủ lực là Nhật Bản, ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Australia, hàng hóa Việt Nam đã vươn mạnh ra nhiều thị trường khác như Nga, Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Phi... Với hành trang văn hóa độc đáo và giàu truyền thống, Việt Nam ngày càng tự tin, năng động vươn lên tầm cao mới trong giao lưu và hội nhập với khu vực và thế giới. Hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam có bước trưởng thành và phát triển nổi bật. Tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, Việt Nam đã phối hợp với nhiều nước đấu tranh bảo vệ hòa bình, bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc. Việt Nam được bầu và đã hoàn thành trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016
Những chuyến thăm cấp cao liên tục gần đây cho thấy chưa bao giờ, quan hệ đối ngoại của Việt Nam lại rộng mở và phát triển như hiện nay. Đối ngoại thời kỳ đổi mới đạt những thành tựu to lớn, một mặt góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ tốt nguồn lực bên ngoài cho mục tiêu phát triển đất nước; mặt khác cho thấy Việt Nam vững tin vươn lên, trưởng thành vượt bậc, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, góp phần nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Những thành tựu đó là biểu hiện sinh động về tính sáng tạo, đúng đắn trong đường lối đối ngoại đổi mới của Việt Nam.