(VOV5) - Căng thẳng leo thang trong xung đột Nga-Ukraine tỷ lệ thuận với những đòn trừng phạt lẫn nhau giữa EU và Nga.
Ngày 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã công bố đề xuất gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong đó đáng chú ý là các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực dầu mỏ của Nga. Đây là gói trừng phạt thứ 6 mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Nga kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trước đó, các nước EU đã nhóm họp nhằm tháo gỡ những khó khăn của khối về năng lượng. Tuy nhiên, EU cũng đang đứng trước những bài toán khó cả trước mắt và lâu dài.
Các nhà phân tích nhận định, khác với quyết định dừng sử dụng than đá của Nga được thông qua trong tháng 4/2022, biện pháp trừng phạt dầu mỏ nếu được thông qua thì sẽ là đòn đánh mạnh đối với Nga. Tuy nhiên, EU cũng đã nhận được nhiều cảnh báo về nguy cơ leo thang giá dầu quốc tế và các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế của khối. Bên cạnh đó, việc tìm tiếng nói chung giữa các nước thành viên EU trong vấn đề này được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn do sự phản đối từ một số quốc gia thành viên EU, đặc biệt là Hungary và Slovakia vốn gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn năng lượng từ Nga.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố đề xuất gói trừng phạt mới nhằm vào dầu mỏ của Nga. Ảnh: European Parliament. |
EU và bài toán giảm phụ thuộc năng lượng từ Nga
Dầu mỏ và khí đốt là 2 vũ khí gây ảnh hưởng truyền thống của Nga. Tuy nhiên, hiện nay đối với EU, khí đốt là thứ vũ khí đáng sợ hơn. Để tránh phụ thuộc vào khí tự nhiên của Nga, EU đang áp dụng đồng loạt nhiều biện pháp để ứng phó.
Kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, giới quan sát đã chỉ ra rằng sự phụ thuộc nói trên trong nhiều thập kỷ đã khiến chính quyền của Tổng thống Putin thêm cứng rắn còn các chính phủ châu Âu thì ngần ngại khi đối mặt với các động thái của chính quyền Nga. Không phải ngẫu nhiên Nga bắt đầu tấn công Ukraine vào tháng 2, thời điểm châu Âu lạnh nhất và có nhu cầu cao nhất về khí đốt để sưởi ấm các tòa nhà. Do mạng lưới khí đốt châu Âu vắt qua nhiều nước, việc Nga khóa van khí đốt dẫn sang Ba Lan và Bulgaria đã ảnh hưởng đến không chỉ hai nước đó. Giá gas sẽ tăng khi áp lực khí đốt trong các đường ống chạy từ hai nước này tới các quốc gia khác sụt giảm. Việc thiếu hụt khí đốt cuối cùng sẽ ảnh hưởng tới cả những nước nằm xa dưới thượng nguồn dòng chảy khí đốt, như là Pháp và Đức.
Căng thẳng nguồn cung năng lượng gia tăng khi hôm 3/5, Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria sau khi hai nước này từ chối yêu cầu của Moscow rằng các quốc gia phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp của Nga. Theo cơ chế thanh toán do Moscow đưa ra, khách hàng phải mở hai tài khoản tại ngân hàng do tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga điều hành. Khách hàng trả tiền vào tài khoản USD hoặc euro, sau đó những khoản tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản thứ hai và được chuyển đổi thành đồng rúp. Kế hoạch thanh toán này của Nga khiến EU cho rằng vi phạm các lệnh trừng phạt mà EU đang áp đặt nhằm vào Nga hiện có.
Các đường ống tại cơ sở lưu trữ khí đốt Wierzchowice ở Ba Lan. Nga đã ngắt nguồn cung khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria sau khi 2 nước từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Ảnh: Bloomberg |
Tác động của gói trừng phạt và tình thế khó khăn của EU
Căng thẳng leo thang trong xung đột Nga-Ukraine tỷ lệ thuận với những đòn trừng phạt lẫn nhau giữa EU và Nga. Lệnh trừng phạt mà EU đang chủ trương tiến hành nhằm mục tiêu chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nhiệm vụ này sẽ không dễ dàng. Việc dừng nhập khẩu nguồn khí đốt từ Nga sẽ để lại nhiều hậu quả tiêu cực. Dầu mỏ từ Nga có thể được thay thế bởi dầu mỏ từ các thị trường khác, nhưng khí đốt sẽ khó khăn hơn rất nhiều mà EU chắc chắn chưa thể sớm có giải pháp thay thế trong vài tháng, thậm chí là vài năm tới. Do lợi thế về tài nguyên, về địa lý, trong nhiều chục năm qua Nga đã thiết lập được một hệ thống vận chuyển, phân phối khí đốt rộng lớn, ổn định, chất lượng và giá thành rẻ cho châu Âu thông qua các đường ống dẫn khí quy mô lớn. Chính một số quan chức EU thừa nhận rằng đột ngột rời bỏ năng lượng Nga sẽ khó khăn, gây ra suy thoái và lạm phát trong nền kinh tế châu Âu.
Do đó, về lâu dài châu Âu không chỉ cần ý chí chính trị mạnh mẽ mà còn phải chấp nhận thiệt hại kinh tế lâu dài. Một kịch bản khác có thể xảy ra, đó là nếu Nga sớm hoàn tất các mục tiêu và kết thúc chiến dịch quân sự tại Ukraine thì khi đó châu Âu có tiếp tục kiên quyết cắt đứt các giao dịch năng lượng với Nga hay không? Đây là câu hỏi không dễ trả lời.