(VOV5) - Vấn đề nhập cư có lẽ đã không trở nên nghiêm trọng với Thủ tướng Đức Angela Merkel nếu như không xảy ra các vụ gây rối và khủng bố tại Đức mà thủ phạm là người nhập cư.
1 năm sau khi Đức và một số nước châu Âu quyết định mở cửa biên giới đón người tỵ nạn (tháng 9/2015), chính sách này đang gây ra những tác động không nhỏ đến chính trường nhiều nước. Không chỉ vậy, Châu Âu cũng đang phải chật vật trong việc tái định cư những người tỵ nạn đã vào Italy và Hy Lạp đến các nước khác.
|
Người di cư tại trại tị nạn Lagadikia, Hy Lạp. Ảnh: AFP/TTXVN |
Về tổng quan, trong bối cảnh liên minh châu Âu (EU) đang loay hoay tìm tiếng nói chung cho cuộc khủng hoảng người tị nạn, giải pháp tốt nhất hiện nay là cần thống nhất hành động, nhưng châu lục này vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi đó, vấn đề người nhập cư tiếp tục trở thành chủ đề chính trị nóng đối với một số nước châu Âu, đặc biệt tại Đức. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, ngày 4/9, cho biết Châu Âu đang tiến gần hơn tới các giới hạn về khả năng tiếp nhận làn sóng người tị nạn mới.
Cản trở con đường chính trị
Sự việc bắt đầu bằng dòng người tỵ nạn từ Syria tràn ngập nhà ga trung tâm thủ đô Budapest của Hungari cuối tháng 8 năm 2015 đòi được đi tiếp sang Đức và Áo. Ban đầu chính quyền Hungary còn ngăn cản nhưng rồi họ cũng “đầu hàng” trước sức ép của dòng người di cư lớn chưa từng có. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận những người này, chính thức kích hoạt cho dòng di cư từ các nước Bắc Phi và Trung Đông, đặc biệt là từ Syria, vào Đức và châu Âu. Cho đến cuối năm 2015, có 1,1 triệu người tỵ nạn đến Đức, chưa kể số người không đăng ký, vượt xa số 800 ngàn mà chính quyền dự đoán trước đó. 6 tháng đầu năm nay, hơn 200 nghìn người nhập cư được tị nạn tại Đức. Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere, số người nhập cư giảm trong đầu năm 2016 chủ yếu là do tuyến đường đi qua khu vực Balkan đã bị chặn và thỏa thuận về người di cư giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã có hiệu lực. Tuy nhiên Bộ trưởng Nội vụ Đức tỏ ra khá bi quan khi cho biết ông không đảm bảo thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ - EU sẽ được duy trì tốt trong những tháng tới.
Vấn đề nhập cư có lẽ đã không trở nên nghiêm trọng với Thủ tướng Đức Angela Merkel nếu như không xảy ra các vụ gây rối và khủng bố tại Đức mà thủ phạm là người nhập cư. Uy tín của nữ Thủ tướng Đức bị sụt giảm nghiêm trọng. Biểu hiện mới nhất là Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ đứng ở vị trí thứ 3 trong kết quả cuộc bầu cử nghị viện bang Mecklenburg-Vorpommern (ngày 4/9), vốn được coi là "sân nhà" của bà Merkel. Đáng lưu ý, Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa và chống người nhập cư lần đầu tiên vượt qua CDU trong một cuộc bầu cử cấp vùng, với 21,9% phiếu bầu. Thủ tướng Angela Merkel đang gặp khó khăn thực sự do chính sách đối với người tị nạn của mình, tỉ lệ ủng hộ chính sách tỵ nạn của bà chỉ còn 34%. Chính sách tiếp nhận người tị nạn không chỉ gây rạn nứt trong lòng xã hội Đức mà còn có nguy cơ sẽ tác động bất lợi cho CDU và vị thế của Thủ tướng Angela Merkel trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức năm 2017.
Chật vật trong nỗ lực tái định cư
Cũng khoảng 1 năm trước đây, tháng 9/2015, liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch đầy tham vọng trong việc tái định cư 160.000 người nhập cư tại Italy và Hy Lạp trong 2 năm. Tuy nhiên, đến nay chưa đến 3% trong số những người nhập cư theo kế hoạch của EU tìm được các quốc gia khác trong liên minh tiếp nhận. Ngày 5/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã thúc giục Chính phủ các nước thành viên tăng cường nỗ lực trong việc triển khai kế hoạch tái định cư người nhập cư. Tuy nhiên Áo, Hungary và Ba Lan vẫn chưa tiếp nhận người nhập cư nào. Cam kết của các nước thành viên EU trong việc trợ giúp Hy Lạp kiểm soát biên giới và xử lý yêu cầu xin tị nạn cũng chưa được thực hiện đầy đủ. Trong bài phân tích đăng trên trang mạng euobserver.com, chuyên gia Nikolaj Nielsen nhận định rằng nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc tại định cư những người nhập cư chưa đem lại kết quả mong muốn. Việc tiếp nhận và số lượng người nhập cư được tiếp nhận vẫn là một chủ đề nhạy cảm. Hungary đã khởi động chiến dịch phản đối người nhập cư trước cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 2/10 tới về việc có tẩy chay kế hoạch tái định cư người nhập cư của EU hay không. Tại Đức, Chính phủ nước này cũng đang đối phó với việc tiếp nhận người nhập cư. Trong cuộc bầu cử địa phương ngày 4/9, đảng theo xu hướng chống người nhập cư “Sự lựa chọn khác cho nước Đức”(AfD) đã đánh bại “Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo” (CDU) của đương kim Thủ tướng Merkel. Tại Áo, ứng cứ viên đảng cực hữu có khả năng trở thành lãnh đạo đất nước khi ông Norbert Hofer của đảng FPO, tiếp tục dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử Tổng thống vòng 2 ngày 2/10 tới.
1 năm sau khi mở cửa biên giới đón nhận người nhập cư, nhiều nước châu Âu đang loay hoay với một loạt rắc rối nảy sinh. Đã có những giải pháp và chính sách được coi là tạo sự đột phá để giải quyết vấn đề tuy nhiên xem ra chưa hiệu quả và các nước châu Âu vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn từ chính trị đến kinh tế - xã hội trong thời gian dài.
Vấn đề nhập cư có lẽ đã không trở nên nghiêm trọng với Thủ tướng Đức Angela Merkel nếu như không xảy ra các vụ gây rối và khủng bố tại Đức mà thủ phạm là người nhập cư.
Vấn đề nhập cư có lẽ đã không trở nên nghiêm trọng với Thủ tướng Đức Angela Merkel nếu như không xảy ra các vụ gây rối và khủng bố tại Đức mà thủ phạm là người nhập cư.
Vấn đề nhập cư có lẽ đã không trở nên nghiêm trọng với Thủ tướng Đức Angela Merkel nếu như không xảy ra các vụ gây rối và khủng bố tại Đức mà thủ phạm là người nhập cư.