(VOV5) -Những bất đồng đã phủ bóng hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay song không phải là không có những tia hy vọng.
Đúng như quan ngại của giới phân tích, Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) kết thúc tại Pháp (26/8) không thu được nhiều kết quả khả quan. Sự khác biệt về quan điểm giữa các quốc gia thành viên trong các nội dung thảo luận quan trọng đã khiến hội nghị không có bất cứ thỏa thuận đột phá nào. Không những vậy, các phiên thảo luận tại hội nghị còn cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước.
Với chủ đề bao trùm là chống bất bình đẳng, tất cả các vấn đề nóng của thế giới đã được thảo luận tại thượng đỉnh G7 lần này, từ vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đang tàn phá "lá phổi" của Trái Đất, rừng Amazon, đến các nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, từ vấn đề hạt nhân Iran và tình hình căng thẳng ở vùng Vịnh đến việc đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn…
Lãnh đạo các nước G7 và Đại diện Liên minh châu Âu dự hội nghị ở Biarritz, Pháp ngày 25/8/2019. - Ảnh: AFP/TTXVN |
Chia rẽ sâu sắc
Thảo luận những vấn đề lớn, có tính sống còn trong đời sống chính trị quốc tế cũng đồng nghĩa với việc đụng chạm tới lợi ích quốc gia chính vì vậy tại G7 đã bộc lộ sự khác biệt, chia rẽ ngày càng lớn giữa các nước thành viên. Bản tuyên bố ngắn gọn với 1 trang giấy khi hội nghị kết thúc cho thấy không có nhiều thỏa thuận hoặc có nhưng chỉ dừng lại ở quan điểm chung chung mà không đi vào chi tiết về các vấn đề G7 quan tâm.
Nhìn vào kết quả thực tế, G7 đã không đưa ra được giải pháp cho vấn đề chống bất bình đẳng, mặc dù đây là nội dung ưu tiên chính trong năm Chủ tịch G7 của Pháp. Paris cũng không thể vận động được các nước phát triển gánh vác trách nhiệm hỗ trợ các nước nghèo nhất, điển hình như các nước ở khu vực Sahel châu Phi, đối phó với thách thức bất bình đẳng.
Dù tuyên bố hỗ trợ chống nạn cháy rừng Amazon, song các nước G7 không đưa ra cam kết "giảm một cách nghiêm túc" lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Donald Trump không tham gia phiên thảo luận quan trọng về khí hậu.
Bất chấp việc Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đến Pháp để gặp gỡ giới chức Pháp và cố vấn ngoại giao của Đức, Anh bên lề Hội nghị thượng đỉnh, G7 cũng không thành công trong việc hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Iran khi các nhà lãnh đạo của nhóm này không nhất trí được một kế hoạch hành động chung về vấn đề hạt nhân Iran, không có giải pháp cho tình trạng bế tắc giữa Mỹ và EU liên quan tới phương cách tiếp cận khác nhau về vấn đề này. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 cũng không đạt được tiến bộ trong việc thuyết phục ông chủ Nhà Trắng gia hạn quy chế miễn trừ trừng phạt dầu mỏ đối với hoạt động mua bán sản phẩm này từ Iran.
Kinh tế và thương mại vốn là những lĩnh vực từng dễ dàng đạt được sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo G7, thì nay lại là nơi sản sinh thêm bất đồng. Trong khuôn khổ thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Trump phải đối mặt với áp lực từ các lãnh đạo khác về cuộc chiến thương mại đang leo thang với Trung Quốc. Trong khi các nước đề xuất “giảm bớt căng thẳng” với Bắc Kinh thì phía Mỹ lại phát đi thông điệp rằng điều duy nhất mà ông chủ Nhà Trắng hối tiếc là đã không áp thuế cao hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đó là chưa kể đến việc ông Trump đề xuất sẽ mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tới dự Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2020, nơi Mỹ là chủ nhà. Đây vốn là chủ đề nhạy cảm với các nước Liên minh châu Âu (EU), luôn cho rằng việc Nga tái gia nhập nhóm các nước công nghiệp này phải gắn với tiến triển trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Bất đồng giữa Tổng thống Mỹ và các đồng minh châu Âu càng lộ rõ khi ông Trump đứng hẳn về phía Thủ tướng Anh Johnson, người đang tỏ thái độ cứng rắn với EU về thỏa thuận Brexit, với lời hứa hẹn sẽ ký kết với Anh một "thỏa thuận thương mại khổng lồ".
Những điểm sáng hiếm hoi
Những bất đồng đã phủ bóng hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay song không phải là không có những tia hy vọng. Khép lại Hội nghị, lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới đã ra tuyên bố vắn tắt, thể hiện sự đồng thuận hiếm hoi về việc nhanh chóng giải ngân 20 triệu USD để giúp dập tắt cháy rừng Amazon, cũng như thống nhất kế hoạch viện trợ tái trồng rừng ở cấp Liên hợp quốc. Về tình hình Ukraine, G7 ủng hộ Pháp và Đức tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Bộ tứ Normandy trong thời gian tới "để có được kết quả cụ thể". Trong lĩnh vực kinh tế, G7 ủng hộ "thương mại toàn cầu mở cửa và công bằng, và sự ổn định của nền kinh tế thế giới"…Bên cạnh đó, các cuộc đối thoại song phương cũng phần nào làm nguội căng thẳng trong nội bộ G7, như Pháp và Mỹ đã đạt được thỏa hiệp về việc đánh thuế những tập đoàn công nghệ lớn, hoặc Mỹ và Nhật nhất trí trên nguyên tắc về các yếu tố cốt lõi của một thỏa thuận thương mại.
Được các nước tư bản phương Tây thành lập năm 1975 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, G7 trong nhiều năm được coi như hình mẫu của thịnh vượng và quản trị tân tiến. Tuy nhiên, bản thân G7 ngày nay không còn đủ tầm ảnh hưởng cũng như đại diện tốt nhất cho các giá trị mà nó từng biểu dương. Và việc chỉ đạt được kết quả khiêm tốn tại Hội nghị thượng đỉnh vừa kết thúc ở Pháp một lần nữa cho thấy G7 đang khó tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề toàn cầu hiện nay.