Giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-Liên minh Châu Âu

(VOV5) - Tại Brussel, Bỉ, Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ủy viên cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU), bà Catherine Ashton chính thức ký kết Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA) và khởi động tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA). Sự kiện này mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU, là tiền đề quan trọng để Việt Nam và EU thiết lập các cơ chế hợp tác cụ thể, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác và hợp tác song phương trong những năm tới.


Giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-Liên minh Châu Âu - ảnh 1

PCA giữa Việt Nam và EU bao gồm 8 chương, 65 điều, trong đó khẳng định các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hai bên, xác định khuôn khổ hợp tác toàn diện trong tất cả các lĩnh vực từ hợp tác phát triển, thương mại-đầu tư, đến hợp tác tư pháp; bảo vệ hòa bình, an ninh quốc tế...Theo đại sứ, trưởng đại diện phái đoàn EU tại Việt Nam Franz Jessen, so với Hiệp định khung về hợp tác Việt Nam - EC ký năm 1995, PCA Việt Nam - EU ký kết lần này thể hiện bước phát triển to lớn, sâu rộng của quan hệ Việt Nam - EU sau 20 năm, đưa quan hệ bước sang một giai đoạn mới với phạm vi rộng lớn và mức độ hợp tác sâu sắc hơn, phù hợp với tầm vóc mới của EU và vị thế quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam. Các nội dung thỏa thuận trong PCA rất toàn diện, phản ánh hài hòa lợi ích và ưu tiên của hai bên. Đại sứ Franz Jessen nói: “Quan hệ của chúng ta đã có sự dịch chuyển đáng kể. Kể từ khi bắt đầu thiết lập quan hệ 20 năm trước, mối quan hệ giữa Việt Nam và EU mới chỉ dựa vào hợp tác phát triển, kinh tế, đầu tư và đến nay mối quan hệ hợp tác đó đã được mở rộng cả về chính trị. Với PCA được ký kết, chúng ta có những cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn về đối thoại nhân quyền, hợp tác về an ninh mà ở đó hai bên cùng nhau giải quyết những rủi ro chung, ví dụ như vấn đề chống nạn cướp biển, biến đổi khí hậu, chống tội phạm xuyên quốc gia”.

Có thể nói, với Việt Nam, triển vọng mở rộng thị trường EU sau khi ký kết PCA còn nhiều vì thương mại Việt Nam-EU hiện mới chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng kim ngạch của EU. PCA được ký kết tạo ra những tiền đề để hai bên đàm phán một Hiệp định tự do thương mại song phương, thiết lập những cơ chế hỗ trợ các ngành, doanh nghiệp tiếp cận và khai thác thuận lợi hơn thị trường và các ưu thế về vốn, công nghệ, kỹ thuật, kỹ năng quản lý tiên tiến của EU trong thời gian tới. PCA cũng tạo tiền đề quan trọng để hai bên bước vào đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương (FTA). Việc đàm phán và ký kết FTA Việt Nam - EU sẽ mở ra nhiều cơ hội, xóa bỏ các rào cản thương mại quan thuế và phi quan thuế, tạo thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung. Hiện nay, chỉ có khoảng 42% xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng  thuế suất 0%. Nếu FTA được thực hiện, tỷ lệ này có thể tăng lên 90%. Bên cạnh đó, cùng với quá trình đàm phán FTA, EU sẽ đẩy nhanh việc công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong đấu tranh với các hình thức bảo hộ thương mại như thuế chống bán phá giá.

Về hợp tác phát triển, EU cam kết về nguyên tắc trong PCA tiếp tục viện trợ phát triển cho Việt Nam trong giai đoạn mới sau năm 2013, phù hợp với các chiến lược và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. EU cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển được quốc tế thừa nhận, trong đó có các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ (MDGs). Đây là cơ sở để Việt Nam tiếp tục tranh thủ các hỗ trợ cần thiết của EU và các nước thành viên EU trong tương lai, phục vụ các mục tiêu phát triển quốc gia. Điểm nổi bật nữa của PCA là hai bên đạt thỏa thuận về nội dung hợp tác trên nhiều lĩnh vực mới như giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, nông lâm ngư nghiệp, ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai, văn hóa, du lịch, môi trường, y tế, năng lượng, giao thông... PCA cũng mở rộng các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành mà EU có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu với những cam kết cụ thể của EU về hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực trong mỗi lĩnh vực; tạo cơ sở cho Việt Nam khai thác các thế mạnh khoa học, công nghệ của EU, tận dụng tốt hỗ trợ của EU để triển khai hiệu quả đổi mới và tái cấu trúc nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Về chính trị, Hiệp định PCA sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và EU. Các thỏa thuận đạt được trong PCA về chính trị, an ninh hòa bình là cơ sở để hai bên tăng cường đối thoại và hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề cùng quan tâm, cả trên bình diện song phương và các diễn đàn đa phương như LHQ, ASEM và đặc biệt là ASEAN –EU khi Việt Nam sẽ là nước điều phối quan hệ ASEAN-EU vào tháng 7/2012. Đại sứ, trưởng đại diện phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam Franz Jessen khẳng định:“Tôi hy vọng chắc chắn rằng, việc ký kết PCA Việt Nam-EU sẽ mở ra một trang mới cho quan hệ Việt Nam – EU. Có thể nói chúng ta đã đưa mối quan hệ này trở thành mối quan hệ mở rộng và vô cùng đa dạng. Tôi thích cách ví rằng mối quan hệ Việt Nam-EU giờ đây là mối quan hệ đầy mầu sắc và hết sức sống động”.  

Với sự phát triển mạnh mẽ và tích cực của quan hệ giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên trong suốt hơn 20 năm qua, việc ký chính thức PCA và khởi động đàm phán FTA Việt Nam-EU sẽ mở ra trang mới trong quan hệ Việt Nam và EU. Quan hệ hai bên đang ở phạm vi và mức độ hợp tác rộng lớn và sâu sắc hơn, góp phần phục vụ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới./.

 


Phản hồi

Các tin/bài khác