(VOV5) - Chúng ta cần nhiệt huyết, tâm huyết để chuẩn bị cho một Hà Nội với nhịp sống Thủ đô một đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Chuyện kể rằng nhạc sỹ Phan Nhân, trong những ngày đêm bão lửa tháng Chạp 1972, chứng kiến cuộc chiến hào hùng và oanh liệt của quân dân ta trên bầu trời Hà Nội, đã bật ra những lời đầu tiên của khúc tráng ca bất hủ "Hà Nội – niềm tin và hy vọng". Sau đó, chứng kiến Hà Nội sau 1 đêm ác liệt vẫn bình yên, lạc quan, thong thả, ông mới cảm khái viết tiếp "Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô".
Vậy đó, với đất Thăng Long – Đông Đô - Hà Nội, Máu và Hoa đã song hành cả ngàn năm nay. Từ vó ngựa Mông Nguyên đến chiến thuyền Champa, từ Hội thề Đông Quan đến Ngọc Hồi – Đống Đa, từ Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh Mùa Đông 1946 đến Điện Biên Phủ trên không Mùa Đông 1972. Đất lành quy tụ người muôn phương, nhưng cũng là đất dữ vùi chôn tất thảy những kẻ thù hung bạo nhất. Hào hoa mà kiêu hùng, bình yên mà dữ dội, lịch thiệp mà lỳ lợm. Những "hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây", như vết đại bác trên mặt thành Cửa Bắc, như xác B52 giữa làng hoa Ngọc Hà, như gò Đống Đa "gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân".
Hà Nội những tháng ngày này đang trong cuộc chiến mới. Kẻ địch vô hình, nguy hiểm, xảo quyệt. Không chỉ là con virus, mà còn là những thứ độc hại len lỏi vào tinh thần con người, những hoang mang, lo lắng, nghi ngờ… Nó không chỉ hạ gục mỗi con người về sức khỏe, mà nguy hại hơn, nó khiến cho phần "con" trỗi dậy, đe dọa xói mòn những nền tảng tinh thần và đạo đức.
Ngày đầu tiên hết cách ly của người dân phố Trúc Bạch
Trận chiến chống dịch ở Hà Nội xảy đến như một lẽ dĩ nhiên. Bởi lẽ mọi vó ngựa xâm lăng đều phải dừng ở Thăng Long – Đông Đô, và ý chí của mọi kẻ thù phải bị đánh sập dưới trời Hà Nội. Bởi Hà Nội là hiện thân của cả nước, chiến thắng ở Hà Nội "sáng soi bóng đêm Trường Sơn, lắng trong nước sông Cửu Long".
Niềm tin tất thắng cũng như một lẽ dĩ nhiên. Bởi bao phen hiểm nguy, Hà Nội vẫn cứ "chiến công rạng danh non sông". Nhưng để đi đến ngày thắng lợi, Hà Nội cần chúng ta, với tinh thần Sát Thát, với khí phách Thăng Long, với niềm tự hào được sống và chiến đấu cùng Hà Nội trong những ngày tháng cam go này.
Những ngày tháng cam go mà kỳ lạ.
Kỳ lạ bởi cả thế giới đang hối hả với toàn cầu hóa, với 4.0… bỗng chậm lại. Nhân loại ngạo nghễ tưởng chừng như chinh phục được tất cả bỗng chốc trở nên yếu đuối và nhỏ bé. Đất nước ta đang trên đà hưng vượng bỗng phải chậm một bước đi. Và mỗi con người bỗng đối mặt với lẽ vô thường của cuộc sống.
Kỳ lạ cũng bởi đất nước này làm được những điều mà nhiều quốc gia giàu có hơn, phát triển hơn chưa làm được. Cái tên Việt Nam chợt sáng rỡ như một niềm hy vọng. Hy vọng mà nhân loại gửi vào một chiến tuyến vững chãi trước kẻ thù chung của nhân loại. Hy vọng của những con dân đất Việt xa xứ trở về nơi vòng tay của Tổ quốc yêu thương. Và cả hy vọng của những người nước ngoài bỗng chốc thấy đất nước này như Tổ quốc thứ hai.
Hà Nội đang đối diện nhiều thách thức bởi dịch COVID-19
Kỳ lạ bởi con người xứ sở này, sau những hốt hoảng ban đầu rất bản năng và khó tránh khỏi, đã trở lại với những phẩm cách đã tôi luyện nên một dân tộc gan góc suốt hàng ngàn năm "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa". Ấy là bởi lời kêu gọi, hiệu triệu của những người lãnh đạo cao nhất, với truyền thống nhân văn Việt Nam, với tôn chỉ tất cả vì nhân dân của người cộng sản, đã không một chút lăn tăn, sớm xác định "sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết" và "không một ai bị bỏ lại phía sau". Những hoang mang lo lắng, những bịa đặt xuyên tạc, những so sánh khấp khiễng, những dèm pha đàm tiếu… chợt trở nên nhỏ nhen, tầm thường trước những thiện tâm, tử tế, tích cực chảy tràn trên đất nước.
Ai cầm được lòng mình trước những khuôn mặt thêm nhiều nếp nhăn mệt mỏi sau mỗi đêm của những người lãnh đạo, những chỉ đạo sắc gọn nhưng cũng rất ân tình, không bao giờ thiếu "nhân dân trên hết" và "chăm lo đời sống nhân dân". Ai không khóc khi Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt 95 tuổi ngồi may khẩu trang vì "mẹ già rồi chỉ giúp đất nước được như thế". Ai không bùi ngùi và tự hào tin vào tương lai khi các em bé dốc hết tiền mừng tuổi để góp vào công cuộc chung.
Ta đã nghẹn lòng trước những sẻ chia thương mến của những người không quen, ta lại bồi hồi trước những hình ảnh xưa kia quen thuộc khi những "cựu chiến binh" ngành y khẳng khái đòi "tái ngũ" xung trận, và ta cũng rưng rưng với những "người lính" sinh viên tình nguyện vào nơi sóng gió. "Đường ra trận mùa này đẹp lắm" phải không, những đồng bào của tôi!
Hà Nội đưa người từ nước ngoài trở về Việt Nam vào khu cách ly tập trung đêm ngay 21/3
"Mùa này" thực sự cam go, nhưng cũng là những ngày tháng ý nghĩa hiếm có.
Bởi nó cho nhân loại một khoảnh khắc trong cuộc trường chinh ngàn vạn năm qua để suy ngẫm về cách ứng xử với Mẹ thiên nhiên và với nhau.
Nó cho mỗi quốc gia một bài kiểm tra khắc nghiệt về tính bền vững, khả năng ứng phó và bản chất của chế độ chính trị, tính cố kết của xã hội.
Nó cho mỗi con người một khoảng lặng để chiêm nghiệm về cuộc đời, về lẽ sống, và về cách sống.
Với mỗi người Việt Nam, nó nhắc nhở "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến này, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn,…" để chúng ta cố kết lại. Nhắc chúng ta "Nhiễu điều phủ lấy giá gương – Người trong một nước phải thương nhau cùng" để chúng ta đùm bọc lấy đồng bào. Nhắc chúng ta cái lẽ "thương người như thể thương thân" để chúng ta cưu mang cả những người không phải là dân Việt. Những bài học đúc kết trong cả chiều dài lịch sử dân tộc, ngỡ đơn giản mà đắt giá.
Có lẽ hơn lúc nào hết từ sau chiến tranh, chúng ta có thể giáo dục cháu con lòng yêu nước, nghĩa đồng bào và một lối sống tử tế, nhân văn một cách trực quan nhất, thấm thía nhất.
Bọn trẻ con, đám sinh viên đang nghỉ học, 25 năm tới sẽ là lực lượng nòng cốt xây dựng "nước non Việt Nam ta vững bền".
Những đứa trẻ được sinh ra trong năm 2020 kỳ lạ này, 25 năm tới sẽ chập chững ra trường, vào đời. Chúng sẽ là thế hệ "Việt Nam hỡi, Việt Nam ơi, tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi".
Những người lính đang trên tuyến đầu chống dịch như chống giặc, 25 năm nữa sẽ thành ông, thành bà. Họ sẽ "chân ta bước, lòng ung dung tự hào".
Hơn 100 sinh viên Đại học Y Hà Nội tình nguyện tham gia chống dịch COVID-19 (Ảnh: Hải quan Online)
Tất cả sẽ nhìn vào ngọn cờ đỏ sao vàng phấp phới 100 năm mà nhớ về những ngày tháng ấy. Những ngày tháng mà người Việt Nam yêu thương nhau đến thế. Những ngày tháng mà lá cờ đỏ sao vàng sáng soi từ Nam chí Bắc và trong trái tim mỗi người dân Việt. Những ngày tháng mà Việt Nam – Hà Nội nén lại như chiếc lò xo để quật khởi cho một phần tư thế kỷ sắp tới. Đại dịch như một lời cảnh tỉnh nhân loại, và cũng là một lời thách thức khác của lịch sử dành cho dân tộc gan góc bên bờ Biển Đông này.
Để trả lời sự thách thức ấy, Việt Nam - Hà Nội cần những người lính can trường. Những người tiếp bước truyền thống và khí phách của cha ông trong những năm tháng máu và hoa, để viết tiếp trang sử hào hùng của sự phát triển quật cường.
Hơn lúc nào hết, chúng ta cần đoàn kết và kỷ luật để thành một khối vững chắc và gan lỳ trước mọi thách thức của thời cuộc. Bởi thách thức này qua đi, thách thức khác sẽ lại tới. Bởi đường tới đài vinh quang không thể thiếu những hiểm nguy rình rập. Hơn lúc nào hết, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tập thể, mỗi doanh nghiệp nhìn nhận lại mình mà rèn tập cả sức khỏe, tinh thần và tri thức để trở thành những chiến binh can đảm và dày dạn dấn bước vào cuộc chơi chuyển đổi số. Chúng ta cần nhiệt huyết, tâm huyết để chuẩn bị cho một Hà Nội linh thiêng, hào hoa trở lại với nhịp sống hối hả của Thủ đô một đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Chúng ta cần tái định vị đất nước này, xác định tâm thế và chỗ đứng trong một thế giới hậu dịch còn nhiều bất ổn và thách thức.
Chúng ta cần nhiệt huyết, tâm huyết để chuẩn bị cho một Hà Nội linh thiêng, hào hoa trở lại với nhịp sống hối hả của Thủ đô một đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ
Cuộc chiến có thể còn kéo dài và gian khổ. Nguồn lực quốc gia và sức lực của mỗi chúng ta cũng có hạn. Có thể nhân loại và chúng ta sẽ phải quen với một "trạng thái bình thường mới". Cũng có thể mỗi người rồi sẽ lại quay lại với cuộc mưu sinh và lãng quên những tháng ngày này. Nhưng Việt Nam – Hà Nội "nghe tiếng cười không quên niềm thương đau". Chúng ta hãy tin chắc rằng, đất nước sẽ đi qua cuộc chiến này với sự trưởng thành lớn lao của những con người được trui rèn trong gian khó. Để chúng ta có quyền tự hào rằng: Thép đã được tôi như thế đấy! Và rồi chúng ta sẽ lại dựng xây Tổ quốc "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Bởi lời Bác còn đâu đây: "Còn non, còn nước, còn người – Thắng đại dịch ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay…."!
Không có "nòng pháo vẫn vươn lên trời cao", không có bom ba càng, không có "súng bên vai sao vuông đầu mũ", nhưng chúng ta luôn có trái tim cháy bỏng lòng yêu nước, chúng ta có vũ khí là tri thức, là sức khỏe, là ứng xử nhân văn và tử tế với đồng loại và thiên nhiên. Đất nước còn nhiều khó khăn, chính trị và kinh tế cũng còn phải hoàn thiện nhiều điều, song có một điều chắc chắn rất đỗi tự hào, là đất nước này, dân tộc này và chế độ này, luôn luôn vì con người, vì nhân dân. Trên nền tảng nhân văn vững bền đó, Việt Nam – Hà Nội sẽ lại ghi thêm "chiến công rạng danh non sông". Để chúng ta thêm TIN, thêm YÊU và thêm HY VỌNG. Cho hôm nay và mai sau.
Lê Hải Bình - Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại.