Hiến pháp sửa đổi mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước

(VOV5)- Việc sửa đổi, bổ sung bản Hiến pháp năm 1992 phù hợp với nguyện vọng, ý chí của nhân dân cả nước.

  

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sau hơn 2 năm chuẩn bị, soạn thảo, lấy ý kiến nhân dân và đưa ra  thảo luận tại 3 kỳ họp Quốc hội đã chính thức được thông qua trong phiên họp sáng nay. Bản Hiến pháp sửa đổi có nhiều điểm được sửa đổi, bổ sung, thể hiện được tinh thần đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

           

Về hình thức, Hiến pháp sửa đổi có 11 chương, 120 điều. So với Hiến pháp 1992, Hiến pháp sửa đổi chỉ giữ nguyên 7 điều, bổ sung 12 điều mới và sửa đổi đến 101 điều, trong đó có sắp xếp lại các chương, có chương hoàn toàn mới là các quy định về thiết chế Hiến định độc lập.

 

Về nội dung, những nguyên tắc, nội dung cơ bản, tư tưởng cốt lõi của Hiến pháp 1992 vẫn tiếp tục được kế thừa và phát triển. Bên cạnh đó, Hiến pháp sửa đổi có những điểm mới cơ bản. 


Hiến pháp sửa đổi mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước - ảnh 1
Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Hiến pháp sửa đổi (Ảnh: Tuổi trẻ)

Làm rõ hơn nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước.

Hiến pháp sửa đổi tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể chế độ chính trị đã được xác định trong Hiến pháp năm 1992 đồng thời bổ sung làm rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn nhiều vấn đề, nhất là bổ sung, phát triển nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước. Ông Huỳnh Ngọc Đáng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, cho biết: “Đây là nội dung quan trọng quy định bản chất và cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước của thể chế chính trị ở Việt Nam. Nội dung kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là điểm mới, tiến bộ rõ của Hiến pháp lần này. Chính điểm mới, tiến bộ này tạo hiệu ứng lên tiếng đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội thời gian qua. Sự kiểm soát lẫn nhau trong thực hiện quyền lực nhà nước là điều cần thiết và tất yếu.”

 

Bản Hiến pháp sửa đổi vừa đuợc thông qua đã bổ sung các quy định đúng đắn, hợp lý về vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà còn là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam.

Thể hiện nhất quán chủ quyền nhân dân

Trong Hiến pháp sửa đổi chủ quyền nhân dân được thể hiện rõ, làm nổi bật vai trò của nhân dân là chủ thể cao nhất, duy nhất của quyền lực nhà nước. Ông Nguyễn Đình Quyền, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đánh giá: “Chủ quyền nhân dân không chỉ được thể hiện trên giấy cũng như chủ quyền nhân dân không chỉ dừng lại ở câu tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Chủ quyền nhân dân ở đây được thể hiện thông qua tổ chức bộ máy Nhà nước, nguyên tắc hoạt động của bộ máy Nhà nước thông qua mối quan hệ giữa nhà nước và công dân thông qua các phương diện dân chủ, đại diện dân chủ trực tiếp thông qua chế độ sở hữu… Có nghĩa là chủ quyền này được thể hiện trên rất nhiều phương diện không chỉ là quyền và nghĩa vụ của công dân.”

 

Hiến pháp sửa đổi đã có những tiến bộ khá lớn trong việc bổ sung, hoàn thiện các quyền con người, quyền công dân theo xu hướng tiến bộ chung. Sự bổ sung khái niệm “quyền con người” vào tên Chương cùng việc bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình phát triển đổi mới đất nước, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Bà Triệu Thị Nái, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, nhận xét:“Những nội dung trong các điều của HIến pháp sửa đổi đã thể hiện rất rõ quyền của công dân. Đó là quyền được chăm sóc sức khoẻ, quyền được học hành, được đảm bảo bí mật đời tư, thư tín .. tất cả những quyền đó đã được đề cao, đặc biệt là quyền chính trị, kinh tế.”

 

Cùng với những quy định trên, Hiến pháp sửa đổi cũng thể hiện theo hướng ngắn gọn, rõ ràng và mang tính nguyên tắc, bảo đảm sự ổn định lâu dài của Hiến pháp về nội dung kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường.

 

Kết tinh trí tuệ của nhân dân       

Những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp sửa đổi được đúc kết từ hơn 26 triệu lượt ý kiến đóng góp của nhân dân, của các chuyên gia tại hơn 27 nghìn lượt hội thảo chuyên sâu. Vì vậy, có thể nói bản Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện ý chí, trí tuệ, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Ông Đinh Xuân Thảo, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho biết:“Trong Hiến pháp sửa đổi, nhân dân tiếp tục ghi nhận và khẳng định  vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản cũng như vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức thành viên hay như vai trò của bộ máy Nhà nước. Tất cả là nguyện vọng của nhân dân để trao cho các cơ quan Nhà nước thông qua Hiến pháp sửa đổi. Về kinh tế, nhân dân đồng tình với mô hình kinh tế, chế độ sở hữu, các thành phần kinh tế, vấn đề đất đai, đặc biệt liên quan đến những nội dung mới về chế độ thu hồi đất.”

 

Hiến pháp sửa đổi được thông qua là cơ sở quan trọng cho việc thể chế hoá các nguyên tắc thành các cơ chế, chính sách cụ thể, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới./.       

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác