Hiến pháp Việt Nam đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam

(VOV5) - Một vấn đề hệ trọng của đất nước sẽ được quyết định tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 13 đang diễn ra tại Hà nội là thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm đáp ứng đòi hỏi đổi mới đất nước theo nguyện vọng toàn dân. Vậy mà xuất hiện những lời kêu gọi, những bản tuyên bố, kiến nghị của vài nhóm người kiến nghị Quốc hội tạm dừng thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chưa hết, một số cá nhân chưa bao giờ thiện chí với Việt Nam cũng như một số tổ chức quốc tế nhân danh nhân quyền cũng té nước theo mưa, đưa ra những đòi hỏi phi lý và trịch thượng về vấn đề nhân quyền của Việt Nam.

Hiến pháp Việt Nam đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam - ảnh 1

Những luận điệu cũ rích
Ví dụ điển hình nhất là một nhóm người đã có cái gọi là “Tuyên bố xã hội dân sự”  kiến nghị Quốc hội dừng thông qua bản Hiến pháp sửa đổi, kéo dài thời gian thảo luận về Hiến pháp để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm tinh thần từ những bản “Dự thảo” khác do chính các "nhà dân chủ, cấp tiến” biên soạn.

Rồi Tổ chức Human Right Watch (HRW) cũng gửi thư ngỏ tới Chủ tịch Quốc hội Việt Nam với thái độ và lời lẽ trịch thượng thúc giục Việt Nam đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền trong bản Hiến pháp 1992 sửa đổi. HRW lặp lại các luận điệu cũ rích của các thế lực thù địch và thiếu thiện chí với  Việt Nam, từ đó chỉ trích các sửa đổi trong Dự thảo Hiến pháp, cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp còn thiếu chặt chẽ, tăng khả năng hạn chế nhiều quyền cơ bản.

Từ những nhận định sai trái như vậy, HRW đưa ra cái mà họ gọi là “ kiến nghị quan trọng” đối với quốc hội Việt Nam, song thực chất đó là thái độ ngạo mạn, tự cho mình quyền được yêu cầu Quốc hội của một quốc gia độc lập có chủ quyền phải làm theo điều mà họ mong muốn.

Sửa đổi Hiến pháp là ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam
Điều 6 Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam quy định "Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân" nên quy trình, thủ tục lập hiến được quy định trong Hiến pháp năm 1992 là: "Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp". Điều 84 Hiến pháp còn nói rõ:"Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp ".

Trên thực tế, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam đã và đang thực hiện đúng theo quy trình này. Trước khi trình ra Quốc hội, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được lấy ý kiến của toàn thể nhân dân. Tính từ ngày 1-1-2013 đến hết ngày 30-9-2013, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Cũng trong thời gian này đã có 28.149 hội nghị, hội thảo, tọa đàm đóng góp các ý kiến về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được tổ chức. Các ý kiến của nhân dân được tập hợp đầy đủ trong các báo cáo dày hàng trăm trang gửi các đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội.

Như vậy, có thể khẳng định chắc chắn rằng trước khi được trình ra trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 lần này, nội dung Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã phản ánh được ý chí và nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và toàn dân tộc; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ; quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy nhà nước ở Việt Nam.

Không ai có quyền định đoạt về Hiến pháp thay nhân dân

Xét cho cùng, trong xây dựng Hiến pháp ở bất cứ quốc gia nào, lựa chọn là thuộc về nhân dân. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 mà nhân dân Việt Nam đã và đang xây dựng, thông qua cơ quan đại diện cao nhất là Quốc hội Việt Nam, không chỉ là kết tinh thành quả cách mạng mà còn đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho dân tộc trên chặng đường tiếp theo.  

Trên thế giới, không có bản Hiến pháp nào có thể coi là khuôn mẫu chung cho mọi Nhà nước, mọi dân tộc, bởi Hiến pháp là nền tảng tư tưởng, chính trị và pháp lý cho sự tồn tại và phát triển của một Nhà nước gắn liền với một chế độ xã hội. Việc xây dựng Hiến pháp là công việc nội bộ của mỗi quốc gia, là quyền tối thượng của nhân dân quốc gia đó. Cũng không bao giờ có thể mang Hiến pháp của quốc gia này để áp dụng cho Hiến pháp của quốc gia khác. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam 1992, rõ ràng là đã đại diện cho ý chí và nguyện vọng của đông đảo nhân dân Việt Nam. Và vì vậy, không ai và không một tổ chức nào có thể cho mình cái quyền được lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc, phá hỏng tiến trình xây dựng đạo luật số một ở Việt Nam này./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác