(VOV5) - Buổi Đối thoại 2045 mong muốn tất cả các doanh nghiệp chung tay làm cho đất nước Việt Nam trở nên hùng cường, nơi mà trí thức, tài năng nào cũng có cơ hội được cống hiến.
Tại buổi “Đối thoại 2045” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại thành phố Hồ Chí Minh chiều 6/3, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam đã chung một ý chí, khát vọng không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu "Đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045".
Tại buổi đối thoại, đại diện của khoảng 50 doanh nghiệp, tập đoàn lớn và các tri thức đã có nhiều phát biểu tâm huyết, như lời Thủ tướng nói là “cùng nhau hành động, cùng nhau hiện thực hóa di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một Việt Nam hùng cường, vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu vào năm 2045 như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi “Đối thoại 2045” tại thành phố Hồ Chí Minh chiều 6/3. Ảnh: baochinhphu.vn |
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, khẳng định: Hơn lúc nào hết, người dân Việt Nam phải chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường và đó phải là khát vọng lớn của một dân tộc chứ không phải có riêng cá nhân ai. Và để có khát vọng đó rất cần “niềm tin lớn” giữa chính phủ và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và chính phủ. Cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn Chính phủ tin tưởng rằng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
"Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ làm ra chính sách, làm việc lớn, còn công việc để doanh nghiệp làm. Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ không phải là người viết ra những quy chế để kiểm tra, kiểm soát doanh nghiệp mà chúng tôi mong muốn Chính phủ là bà đỡ cho mọi ý tưởng của doanh nghiệp. Cứ hễ mà tốt cho đất nước, tốt cho nhân dân, tốt cho kinh tế, tốt cho tăng trưởng thì cứ làm." Ông Bình nói.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng. Ảnh: baochinhphu.vn |
Theo Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright, Việt Nam vẫn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng mạnh khoảng 7%/năm và nếu duy trì mức tăng trưởng này, thì đến 2045, Việt Nam sẽ chạm chuẩn thu nhập cao của thế giới. Để làm được điều đó, Chính phủ có vai trò vô cùng quan trọng trong kiến tạo, hỗ trợ, thúc đẩy bằng chính sách. Tiến sỹ Anh Tuấn cho rằng: "Chính phủ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiến tạo, thúc đẩy, hỗ trợ bằng nhiều chính sách đặt trong cái tâm của nhà lãnh đạo phục vụ nhân dân. Tôi đặt niềm tin Việt Nam sẽ ngày càng nhiều những doanh nhân công - hôm nay chúng nói về doanh nhân nhưng tôi muốn đề cập khái niệm doanh nhân công - đó là những nhà lãnh đạo xuất sắc có tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm hành động, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, Trách nhiệm - Danh dự - Lương tâm".
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng Giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank. Ảnh: baochinhphu.vn
|
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng Giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank khẳng định: “Đối thoại 2045” mang đến sự khích lệ to lớn về tinh thần với doanh nhân, nhân sĩ và tri thức. Khát vọng đến 2045, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, Việt Nam trở thành một nước phát triển, thu nhập cao là một thách thức nhưng Việt Nam có những nguồn lực, có cơ sở, có động lực để biến khát vọng đó thành hiện thực.
Theo bà Thảo, doanh nghiệp tư nhân rất cần có sự đổi mới tư duy, sự quyết liệt, hiệu quả bằng các chính sách thống nhất xuyên suốt từ Chính phủ, bộ ngành, địa phương; kiến tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp với nhau: "Chúng tôi mong rằng Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp, hãy tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. Hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp".
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI, đánh giá: hiện nay Đảng và Nhà nước đã đặt kinh tế tư nhân vào đúng vị thế và vai trò của kinh tế tư nhân theo hướng ngày càng tích cực. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cuối năm 2019, kinh tế tư nhân chiếm 42% GDP và đóng góp 30% thu ngân sách. Quan trọng hơn nữa là khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra 85% việc làm cho nền kinh tế. Và đến năm 2030, theo dự báo thì kinh tế tư nhân sẽ chiếm 60% GDP trong tỷ trọng nền kinh tế.
Ông Đỗ Minh Phú bày tỏ: "Chúng tôi kính mong và kỳ vọng Thủ tướng, Chính phủ, các Bộ ngành tạo điều kiện tốt nhất để cho khát vọng đó được nuôi dưỡng lớn mạnh, bùng cháy ở tất cả hàng triệu doanh nghiệp tư nhân, để cho toàn thể đàn chim doanh nghiệp Việt từ các cánh chim đại bàng, sếu đầu đàn và các cánh chim khác cùng kết thành một đàn vượt qua mọi giông bão khó khăn, ấp ủ niềm tự hào xây dựng Tổ quốc của chúng ta vào dịp 100 năm kỉ niệm thành lập nước, để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, hùng cường và hưng thịnh, xứng danh con cháu Lạc Hồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi kết luận buổi Đối thoại 2045 mong muốn tất cả các doanh nghiệp chung tay làm cho đất nước Việt Nam trở nên hùng cường, nơi mà trí thức, tài năng nào cũng có cơ hội được cống hiến, phụng sự; có nhiều doanh nghiệp vươn lên trở thành tập đoàn toàn cầu. Thủ tướng khẳng định Việt Nam 2045 là bức tranh đẹp mà tất cả người Việt bây giờ và các thế hệ tương lai đều có cơ hội đặt nét vẽ của mình lên đó.