(VOV5) - Có thể khẳng định đóng góp then chốt nhất của ngoại giao thời gian qua là duy trì và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của đất nước.
Tinh thần ngoại giao kiến tạo đang lan tỏa mạnh mẽ tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30. Đây được xem như Hội nghị Diên hồng của ngành được tổ chức 2 năm một lần, Hội nghị lần này đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, hướng tới xây dựng nền ngoại giao toàn diện, đưa đất nước tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng trong bối cảnh mới.
Đại sứ Việt Nam chuẩn bị nhận nhiệm vụ tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu |
Hội nghị Ngoại giao lần này tập trung vào 4 trọng điểm gồm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII về đối ngoại trong hai năm qua; đánh giá tình hình thế giới, cơ hội và thách thức để triển khai chủ động và sáng tạo đường lối đối ngoại của Đảng; đánh giá các biện pháp triển khai hiệu quả hội nhập và nâng tầm ngoại giao đa phương; kiện toàn hệ thống bộ máy nhà nước và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, hiện đại.
Hội nghị của đổi mới, sáng tạo
Sự quan tâm lớn của tất cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội tại Hội nghị lần này thể hiện công tác đối ngoại đang được nâng lên một tầm cao mới. Với mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, thời gian qua, ngoại giao Việt Nam đã tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng yếu về đối ngoại mà Đại hội Đảng XII đề ra, đặc biệt là hai nhóm nhiệm vụ lớn mà Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao 29. Đó là tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước và góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ và giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển. Đại sứ Việt Nam chuẩn bị nhận nhiệm vụ tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu chia sẻ: “Trong 2 năm qua tôi nghĩ ngành ngoại giao đã có rất nhiều thành tựu. Cá nhân tôi cho rằng thành tựu lớn nhất là giữ được cho mình một môi trường hòa bình, ổn định. Các nước lớn tuy có sự tương tác với nhau nhưng nhiệm vụ của chúng ta là phải gìn giữ một môi trường hòa bình và ổn định để phát triển, không bị xáo trộn. Tôi cho rằng đấy là điều quan trọng nhất. Chúng ta phải để các nước thấy rằng Việt Nam không đứng về nước khác, không theo nước kia để chống lại nước này”.
Hãy để ý đến thế giới bởi thế giới đang biến động quá lớn, quá nhiều và quá phức tạp. Nếu không hiểu và ứng dụng các biện pháp thích hợp thì sẽ rất khó khăn trong quá trình hội nhập, phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước. Thông điệp được Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại Hội nghị lần này được nhiều đại sứ, trưởng đại diện cơ quan hết sức đồng tình.
93 Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trở về nước dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 tại Hà Nội - Ảnh: Quỳnh Trang. |
Theo Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Đoàn Xuân Hưng, với tinh thần bám sát địa bàn, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, các cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao phó, chủ động, sáng tạo, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, thúc đẩy quan hệ với nước sở tại, thúc đẩy làn sóng đầu tư. Đại sứ Đoàn Xuân Hưng chia sẻ, Đức là một thị trường rất lớn và tiềm năng còn nhiều, làm thế nào để đưa quan hệ Việt Nam với Đức trở thành quan hệ đối tác chiến lược thời gian tới luôn là trăn trở: “Chúng tôi cố gắng làm sao hiểu hơn thị trường Đức, đặc biệt là làm sao để cho họ nhìn chúng ta bằng con mắt thiện cảm và đầy đủ hơn. Rất nhiều người Đức yêu quý Việt Nam, họ hiểu Việt Nam như điểm sáng của Châu Á và một thị trường rất đáng để quan tâm. Tôi đặc biệt chú ý đến yếu tố nhà nước liên bang. Từng bang họ quyết định định hướng phát triển của mình. Vì vậy chúng tôi cố gắng đặt mục tiêu đi tới các bang, giới thiệu cho từng bang, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, giới thiệu tiềm năng đất nước con người của Việt Nam”.
Nâng cao hơn nữa thế và lực của đất nước
Có thể khẳng định đóng góp then chốt nhất của ngoại giao thời gian qua là duy trì và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của đất nước. Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với tổng cộng 27 đối tác, thúc đẩy đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do. Đây là những tiền đề vô cùng quan trọng để Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các nhân tố gây bất ổn, rủi ro như chủ nghĩa bảo hộ, xung đột thương mại, chống toàn cầu hóa đang nổi lên, tác động đến đà phát triển của kinh tế thế giới và Việt Nam. Trước xu thế chung đó, mỗi cán bộ ngoại giao nhận thức sâu sắc được trọng trách của mình, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020, chia sẻ, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để bứt phá, nâng tầm vị thế đất nước: “Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển then chốt, lấy bền vững gắn với công nghệ số và kinh tế tư nhân là động lực. Đây là cơ hội rất lớn phải nói là trong nhiều năm đổi mới thì đây là lần đầu tiên kinh tế tư nhân và động lực phát triển được xác định rõ nét. Chúng ta có sự đan xen lợi ích rộng lớn chưa từng có với các đối tác, 27 đối tác chiến lược và toàn diện cùng 59 đối tác FTA. Với một vị thế mới chúng ta chủ trương hội nhập rất sâu và hiện nay chúng ta không chỉ ở tầm mức hội nhập mà ở tầm mức liên kết, đòi hỏi ngành ngoại giao phải bắt kịp với xu thế mới”.
Thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm Đổi mới đã mang lại những thuận lợi rất căn bản để Việt Nam xây dựng một nền ngoại giao chuyên nghiệp, hiện đại. Bắt kịp xu thế thời đại, ngành ngoại giao, các đại sứ, trưởng đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đang nỗ lực định vị đất nước trong bối cảnh mới.