Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi: Thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh mới

(VOV5) - Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi diễn ra tại St. Petersburg (Nga) trong hai ngày hôm qua và hôm nay (27 - 28/7). 

Với phương châm "Vì hòa bình, an ninh và phát triển", hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác Nga - châu Phi trong bối cảnh mới, nhất là sau khi Nga quyết định không gia hạn Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, thỏa thuận vốn rất quan trọng với an ninh lương thực của nhiều quốc gia châu Phi.

Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi: Thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh mới - ảnh 1Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi diễn ra tại St. Petersburg (Nga) trong 2 ngày 27 - 28/7. Ảnh: Reuters
Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần này là hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa 2 bên, sau Hội nghị lần thứ nhất (năm 2019), được tổ chức tại Sochi (Nga). Trong số 49 chính phủ châu Phi, 17 nước cử nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị tại St. Petersburg. Hội nghị tập trung thảo luận nhiều vấn đề, từ: thương mại đến an ninh, thỏa thuận vũ khí và cung cấp ngũ cốc.

Cung cấp ngũ cốc: ưu tiên hàng đầu

Tổng thống Nga Vladimir Putin coi hội nghị thượng đỉnh tại thành phố St. Petersburg của Nga là một sự kiện lớn giúp Moscow củng cố mối quan hệ với lục địa châu Phi 1,3 tỷ dân. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh, nhà lãnh đạo nước Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp lương thực liên tục cho sự phát triển kinh tế xã hội và ổn định chính trị của các quốc gia châu Phi. Ông Putin đặc biệt đề cập đến Thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, với mục đích ban đầu là đảm bảo an ninh lương thực cho các quốc gia dễ bị tổn thương ở Nam bán cầu. Tuy nhiên, theo ông mục tiêu chính của thỏa thuận đã không đạt được khi 70% ngũ cốc của Ukraine được đưa đến các nước có thu nhập trung bình cao và cao, trong khi các nước nghèo nhận được chưa đến 3% nguồn cung cấp lương thực.

Qua đó, Tổng thống Nga đảm bảo với các quốc gia châu Phi rằng Moscow sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để cung cấp ngũ cốc, thực phẩm, phân bón và các hàng hóa khác cho châu Phi. Trong những tháng tới, Nga sẵn sàng cung cấp cho các nước châu Phi 25.000-50.000 tấn ngũ cốc. Nga sẵn sàng cung cấp miễn phí khối lượng ngũ cốc trên cho 6 nước nghèo ở châu Phi, gồm: Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea. Nga cũng dự định tiếp tục hỗ trợ các quốc gia châu Phi trong việc xây dựng năng lực nguồn nhân lực quốc gia của họ.

Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi: Thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh mới - ảnh 2Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi ngày 27-7. Ảnh: Tass

Ngoài ra, người đứng đầu nước Nga cũng đề cao vai trò của châu Phi, đồng thời khẳng định hợp tác giữa Nga và châu Phi đang đạt đến một tầm cao mới. Ông cho biết Nga dự định sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thương mại và đầu tư, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác với châu Phi và cùng với châu lục này giải quyết các vấn đề cấp bách như chống đói nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo lực lượng lao động hiện đại.

Mục tiêu quan trọng để khôi phục ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế

Quan tâm đến châu Phi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Nga. Theo giới phân tích, thông qua bước đi "ngoại giao ngũ cốc" cùng với tuyên bố đầy thiện chí "sẵn sàng cung cấp ngũ cốc miễn phí cho các quốc gia nghèo ở châu Phi", Nga đang củng cố uy tín của mình trên lục địa này. Trong những năm gần đây, châu Phi đã vươn lên vị trí hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga.

Dưới góc độ kinh tế, năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa Nga và châu Phi đạt 18 tỷ USD, dự báo có thể vượt 40 tỷ USD trong năm nay. Và triển vọng hợp tác cũng rất sáng sủa khi Châu Phi được coi là dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng tiêu dùng, chưa kể đến trữ lượng khoáng sản lớn, giàu tài nguyên thiên nhiên cũng như nhu cầu phát triển công nghiệp, công nghệ. Bên cạnh đó, với những thay đổi địa chính trị, châu Phi đang tìm kiếm đồng minh mới. Và Tổng thống Putin nhìn thấy ở châu Phi khả năng "sẽ trở thành một trong những đầu tàu của thế giới đa cực".

Nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu châu Phi thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Rakhimbek Bobokhonov nhận định: đối với châu Phi, Nga hiện là đối tác được lựa chọn, đang được đón nhận nồng nhiệt hơn so với các đối tác khác. Ngoài ra, mối quan hệ của Moscow với châu Phi có thể trở nên mạnh mẽ hơn trong tương lai gần khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã hết hạn, các công ty Nga và các nước châu Phi sẽ đàm phán trực tiếp tại hội nghị thượng đỉnh về cung cấp lương thực và viện trợ nhân đạo.

Nhiều năm qua, châu Phi luôn là mục tiêu của cuộc đua nâng tầm ảnh hưởng địa chiến lược giữa nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Sau gần 3 thập niên nhường lại “sân chơi” đầy tiềm năng này, nước Nga đã quay lại châu Phi trên nền tảng xây dựng các lợi ích chung. Và Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi lần này là nỗ lực nhằm đưa sự hiện diện của Nga trở nên đậm nét hơn tại khu vực. Hội nghị cũng giúp khẳng định một trọng tâm ngoại giao mới của Moscow khi Lục địa đen đang trở thành mục tiêu quan trọng trên con đường khôi phục ảnh hưởng của nước Nga trên trường quốc tế.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác