(VOV5) - SCO đang ngày càng phát huy vai trò về giữ gìn an ninh và ổn định khu vực, thúc đẩy hợp tác các nước thành viên, đồng thời không ngừng nâng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/9 tại thành phố Samarkand, Uzbekistan với sự tham dự của 15 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo các tổ chức quốc tế hợp tác với SCO.
Trong bối cảnh tình hình chính trị khu vực và thế giới đang có nhiều biến động, các bên tham dự Hội nghị, với tâm thế và toan tính chiến lược khác nhau, đều đề cao hợp tác của tổ chức khu vực này.
Tâm điểm của Hội nghị thượng đỉnh SCO tại Samarkand là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Hội nghị SCO lần này gắn với những cái đầu tiên đáng chú ý: cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo các nước thành viên SCO kể từ đầu đại dịch COVID-19 năm 2020; lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất ngoại kể từ đầu năm 2020 và lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Trung-Ấn gặp trực tiếp lần đầu kể từ cuộc đụng độ ở biên giới vào năm 2020... và đặc biệt, tâm điểm của Hội nghị thượng đỉnh SCO tại Samarkand là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Cuộc gặp này có tầm quan trọng đặc biệt nếu tính đến những đặc điểm của tình hình quốc tế hiện nay.
Nga-Trung khẳng định mối quan hệ đồng minh
Giới phân tích cho rằng đây là dịp để Trung Quốc thể hiện sức ảnh hưởng của mình và để Nga khẳng định chính sách đề cao châu Á, khi Moscow và Bắc Kinh đều đang có quan hệ căng thẳng với Mỹ. Tổng thống Putin khẳng định cuộc hội đàm tạo thêm động lực cho quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung cả trên cơ sở song phương và trên trường quốc tế. Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định với tư cách là các cường quốc, Trung Quốc sẵn sàng cùng Nga đưa thế giới đang chứng kiến những thay đổi lớn lên quỹ đạo phát triển bền vững và tích cực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Samarkand, Uzbekistan. Ảnh: AP |
Nhận định về cuộc gặp này, giới chuyên gia cho rằng, cả hai nhà lãnh đạo đang muốn chứng minh nhiều điều. Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Trung cực kỳ quan trọng trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây. Trung Quốc đã kiên quyết từ chối chỉ trích việc Nga tấn công Ukraine và phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga. Ở phía ngược lại, Nga ủng hộ mạnh mẽ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ sau chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Đối với Nga, Trung Quốc đã chọn cách tiếp cận cân bằng trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Đối với ông Putin, hội nghị thượng đỉnh SCO là cơ hội để cho thấy rằng Nga không thể bị cô lập trên trường quốc tế, vào thời điểm cuộc xung đột Nga - Ukraine đang tiếp diễn. Ngoài ra, Nga được cho là hy vọng tìm thị trường mới cho các sản phẩm của Nga, hoặc tìm nhà cung cấp mới các mặt hàng mà họ đã không còn có thể nhập khẩu từ châu Âu. Đối với ông Tập Cận Bình, đây là cơ hội để củng cố hình ảnh của ông ngay trước đại hội Đảng lần 20 vào tháng 10 tới.
Mối quan hệ Nga-Trung cho dù vẫn tồn tại những bất đồng, song nhận thức giữa hai bên ngày càng sâu sắc về các mục tiêu chiến lược chung, đặc biệt là trong việc xây dựng bức tường chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á. Vì vậy, việc Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin gặp nhau lần này là cơ hội để cả hai chứng minh cho thế giới thấy mối quan hệ đồng minh của họ.
Vai trò tiềm năng của SCO trong bối cảnh mới
Được thành lập năm 2001, SCO có sự tham gia của Ấn Độ, Kazakhstan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan, Pakistan và Uzbekistan. Afghanistan, Belarus, Iran và Mông Cổ tham gia với tư cách quan sát viên, trong khi Armenia, Azerbaijan, Campuchia, Nepal, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ là các nước đối tác.
Mối quan hệ Nga-Trung cho dù vẫn tồn tại những bất đồng, song nhận thức giữa hai bên ngày càng sâu sắc về các mục tiêu chiến lược chung, đặc biệt là trong việc xây dựng bức tường chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á.
Trong bối cảnh hiện nay, SCO đang được xem như một trung tâm quyền lực mới đang tăng lên, chiếm 25% dân số thế giới và 60% tổng diện tích của châu Á và châu Âu. Vì vậy, SCO đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia xin gia nhập với tư cách là thành viên chính thức, quan sát viên hoặc đối tác đối thoại. Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng đánh dấu việc Iran chính thức ký bản ghi nhớ gia nhập Tổ chức SCO.
Tham gia SCO, mỗi quốc gia thành viên, quan sát viên hay đối tác đều theo đuổi các lợi ích riêng. Tăng cường hợp tác trong SCO
có thể giúp Trung Quốc và Nga giải quyết không ít khó khăn về chính trị, kinh tế và an ninh do chính sách đối địch của phe kia gây ra cho họ. Trong khi đó, SCO với các nước thành viên chính thức khác, sự tham gia của các quốc gia mới đồng nghĩa với việc mở rộng tầm ảnh hưởng không chỉ trong lĩnh vực thương mại kinh tế mà còn trong chính trị thế giới. SCO đang ngày càng phát huy vai trò về giữ gìn an ninh và ổn định khu vực, thúc đẩy hợp tác các nước thành viên, đồng thời không ngừng nâng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.