Hội nghị Trung ương nghiên cứu và quyết định những vấn đề hệ trọng

(VOV5) - Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nhấn mạnh ý nghĩa các vấn đề mà Hội nghị lần này phải tập trung nghiên cứu, thảo luận.


Theo đó, việc cụ thể hóa Điều lệ Đảng, thi hành nghiêm Điều lệ Đảng là góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đảng, tăng cường sức mạnh, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

 

Hội nghị Trung ương nghiên cứu và quyết định những vấn đề hệ trọng - ảnh 1



Tại Hội nghị lần thứ 3 kéo dài từ 4-8/7/2016, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII thảo luận và quyết định về : Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; Quy định thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước, và một số vấn đề quan trọng khác.

Đổi mới, cải tiến lề lối làm việc

 

Về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Đây là việc cụ thể hoá Điều lệ Đảng, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc và phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo đảng, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc sinh hoạt và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Trên cơ sở kế thừa Quy chế làm việc của khoá XI và các khoá trước đây, bám sát Nghị quyết Đại hội XII và Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá này cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng trong Quy chế làm việc, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải giữ vững chế độ lãnh đạo tập thể, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Đây là những cơ sở quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đảng, tăng cường sức mạnh, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Thi hành nghiêm, thống nhất Điều lệ trong toàn Đảng

Về quy định thi hành Điều lệ Đảng, quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan có liên quan phối hợp chuẩn bị các tờ trình và dự thảo các quy định. Nội dung của Tờ trình và dự thảo các quy định đã bám sát Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khoá XI và đề xuất những nội dung phù hợp với thực tiễn thi hành Điều lệ Đảng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ các nội dung mà các ủy viên Trung ương cần cho ý kiến: “Đó là quy định về đối tượng, nội dung kiểm tra; về thẩm quyền thi hành kỷ luật của chi bộ; việc quy định đảng bộ cơ sở, chi bộ sinh hoạt định kỳ; việc quy định về thời gian dự bị của đảng viên để tính tuổi đảng; việc không phân cấp cụ thể trong xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc quy định đảng viên có quyền khiếu nại đến Ban Chấp hành Trung ương; quy định về điều kiện chỉ định đảng viên ngoài đảng bộ tham gia cấp uỷ; về quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ bộ phận; về hình thức khen thưởng trong Đảng; về công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng, về nhiệm vụ của uỷ ban kiểm tra các cấp; về thi hành kỷ luật và biểu quyết kỷ luật, về khiếu nại kỷ luật đảng”.

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016 – 2021 tại Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng. Đối với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và 34 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước đã được Hội nghị Trung ương 2 khoá XII bỏ phiếu giới thiệu hoặc cho ý kiến thông qua với số phiếu tín nhiệm cao thì Ban Chấp hành Trung ương không tiến hành bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại. Đối với 13 chức danh còn lại chưa lấy phiếu giới thiệu tại Hội nghị Trung ương 2 và các chức danh có dự kiến thay đổi so với lần trước, Bộ Chính trị sẽ xin ý kiến Trung ương bằng phiếu trước khi chính thức giới thiệu để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác