Kết quả cuộc bầu cử phản ánh đúng đắn sự lựa chọn của cử tri

(VOV5) - Ở các địa phương trong cả nước, việc lựa chọn người ứng cử, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác, tổ chức các vòng hiệp thương để lập danh sách ứng cử viên chính thức đều được tiến hành dân chủ, đúng luật, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng.


Với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu lên tới 99,35%, tỷ lệ cao nhất trong mấy kỳ bầu cử gần đây; số lượng đại biểu trúng cử là người trẻ, người có trình độ đại học và trên đại học cao hơn so với nhiệm kỳ trước, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã thành công tốt đẹp. Kết quả này phản ánh đúng đắn sự lựa chọn của cử tri cả nước.


Kết quả cuộc bầu cử phản ánh đúng đắn sự lựa chọn của cử tri - ảnh 1
Công bố kết quả bầu cử và danh sách đại biểu trúng cử



“Thắng lợi đầu tiên và quan trọng nhất của cuộc bầu cử lần này chính là thắng lợi của dân chủ, của công khai và minh bạch”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trong ngày 22/5 vừa qua.


Bảo đảm dân chủ, công khai và minh bạch

Thực tế trong cuộc bầu cử lần này, ở tất cả các địa phương trong cả nước, từ việc lựa chọn người ứng cử, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác đến việc tổ chức các vòng hiệp thương để lập danh sách ứng cử viên chính thức đều được tiến hành dân chủ, đúng luật, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Quá trình vận động bầu cử của các ứng cử viên cũng được thực hiện rất công bằng, dân chủ và công khai. Ứng cử viên là lãnh đạo cấp cao ở Trung ương hay người tự ứng cử, người là đảng viên, người không phải là đảng viên... cũng đều phải vận động bầu cử với thời gian và hình thức như nhau.

Nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam được luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định là: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, lần đầu tiên trong cuộc bầu cử lần này, Ủy ban bầu cử Quốc gia thực hiện quy định cho phép ứng cử viên, cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu. Phóng viên báo chí cũng được tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu. Đây là bước tiến rất quan trọng bảo đảm việc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp của Việt Nam thực sự dân chủ, công khai, minh bạch.


Tôn trọng quyền lựa chọn của cử tri

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, có 21 người ngoài đảng trúng cử đại biểu Quốc hội  khóa XIV. Kết quả này phản ánh sự lựa chọn, ý chí và nguyện vọng của cử tri bởi theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri hoàn toàn có quyền lựa chọn người đại diện cho mình tham gia trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Bầu cho ai, không bầu cho ai là quyền của cử tri. Về điều này, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, khẳng định:“Không phải cứ có ít đại biểu Quốc hội là đảng viên thì mới bảo đảm tính dân chủ của Quốc hội. Yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm dân chủ trong Quốc hội vẫn phải là công khai, minh bạch mọi hoạt động của Quốc hội từ lập pháp, giám sát đến quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội khóa XIII đã làm khá tốt điều này và chắc chắn Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục làm tốt hơn”.

Việc có 2 người tự ứng cử trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV cũng chính là sự lựa chọn của cử tri. Hiến pháp, văn bản pháp lý có giá trị cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại Điều 27, đã quy định: “Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân”. Pháp luật về bầu cử của Việt Nam cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các công dân thực hiện quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Cũng như nhiều nước trên thế giới, để có tên trong danh sách bầu cử, tất cả các ứng cử viên, không phân biệt nghề nghiệp, chức vụ, người được giới thiệu và người tự ứng cử đều phải trải qua các vòng hiệp thương. Tại Việt Nam, các vòng hiệp thương này do Mặt trận Tổ quốc chủ trì, để cử tri nơi công tác và nơi cư trú góp ý, lựa chọn bằng hình thức bỏ phiếu tín nhiệm. Thực hiện quy định đó, tại hội nghị cử tri, đối chiếu với tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri sẽ quyết định ai xứng đáng đưa vào danh sách bầu cử để bầu làm đại biểu Quốc hội. Việc tổ chức vận động bầu cử cũng được tổ chức công khai, bình đẳng và được nhân dân giám sát. Tại nơi bỏ phiếu, bằng lá phiếu của mình, cử tri sẽ quyết định ai là người xứng đáng để bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Như vậy, một số người tự ứng cử trúng cử hay không hoàn toàn là do sự tín nhiệm của cử tri với họ.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ở Việt Nam xét về tổng thể là một cuộc bầu cử  thành công bởi lẽ sự lựa chọn của cử tri là yếu tố quan trọng làm nên kết quả của cuộc bầu cử này.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác