(VOV5) - Thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, ngày 26/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước. Khẳng định này cho thấy rõ tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân trong sự phát triển của Việt Nam.
Ngày 26/12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 chính thức khai mạc. Ảnh: VGP/Lê Hiếu |
Việt Nam có lợi thế về phát triển nông nghiệp. Thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn, liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao.
Nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam
Năm 2023, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Vai trò là “trụ đỡ” nền kinh tế của nông nghiệp thể hiện rõ khi năm nay, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tăng trưởng kinh tế toàn ngành nông nghiệp Việt Nam ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD. Đây là mức cao kỷ lục và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục, như: Hàng rau quả tăng trên 70%; Gạo tăng trên 36%… Dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay của Việt Nam có thể về đích với kỷ lục 5,5-5,8 tỷ USD, tăng 80-90% so với năm ngoái. Cùng với đó, mặt hàng gạo và rau quả vẫn còn cơ hội tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp là kết quả của việc tổ chức lại sản xuất, cấu trúc lại các ngành hàng gia tăng giá trị, đem lại thu nhập cao cho nông dân nói riêng và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung: "Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp là chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng tăng trưởng đa giá trị. Chúng ta tự tin để cấu trúc ngành hàng, như gạo hiện nay đã có mặt tại những thị trường yêu cầu khắt khe nhất, như: Nhật Bản, Mỹ, Liên minh Châu Âu. Quan trọng nhất, muốn tạo ra giá trị cho tương lai phải cấu trúc ngành hàng, gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích."
Nông dân – Chủ thể của phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn
Thành quả của ngành nông nghiệp những năm qua luôn gắn liền với sự nỗ lực của người nông dân. Nông dân chính là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sản xuất sạch, tăng trưởng xanh là xu thế bắt buộc, vai trò của người nông dân ngày càng quan trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Tuấn Huy |
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội nông dân Việt Nam lần thứ VIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước. Do đó, các cấp Hội Nông dân phải hướng dẫn nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh, ứng dụng công nghệ số; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Bức tranh "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" có thực sự hoàn mỹ hay không và làm sao để trở thành hiện thực, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, song Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam có vai trò trực tiếp và nòng cốt."
Việt Nam đang đứng trước những thời cơ đổi mới, phát triển toàn diện và ấn tượng theo hướng tiếp cận dòng chảy, xu thế tiêu dùng của nền kinh tế toàn cầu, xu thế tiêu dùng xanh của thế giới. Trong dòng chảy đó, nông nghiệp, nông dân Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình, cùng kiến tạo nên một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại.