(VOV5) - Một Quốc hội treo là kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội Italy ngày 4/3 vừa qua, cuộc bầu cử quan trọng nhất ở châu Âu năm 2018.
Không có phe nào trong số ba lực lượng chính trị chủ chốt ở Italy giành đủ số phiếu cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ. Kết quả này khiến tương lai chính trị của Italy ở thế bấp bênh, tác động tới sự ổn định của Liên minh châu Âu.
Đại diện 3 đảng trong liên minh trung hữu (Ảnh: CBC). |
Với gần 100% số phiếu được kiểm, liên minh cánh hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã dẫn đầu và giành được 37% số phiếu tại Hạ viện (đối với số ghế được bầu theo cơ chế đại diện tỷ lệ) cùng với 103 ghế hạ nghị sĩ (được bầu theo cơ chế ứng cử viên nào giành nhiều phiếu nhất sẽ thắng cử). Còn tại Thượng viện, liên minh này giành được tỷ lệ tương ứng là 37,49% cùng với 54 ghế thượng nghị sĩ.
Về nhì là đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) giành được 32,67% số phiếu tại Hạ viện cùng với 85 ghế hạ nghị sĩ; 32,22% số phiếu tại Thượng viện và 41 ghế thượng nghị sĩ. M5S mặc dù xếp ở vị trí thứ hai nhưng lại là đảng đơn lẻ giành được nhiều phiếu bầu nhất. Còn liên minh cánh tả, trong đó có đảng Dân chủ (PD) cầm quyền, xếp ở vị trí thứ ba.
Chủ nghĩa dân túy lên ngôi
Nhìn vào kết quả bầu cử có thế thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ các đảng dân túy và kháng chính thống tăng mạnh. Bằng chứng là đảng dân túy M5S và đảng cực hữu Liên đoàn (tên cũ là Liên đoàn phương Bắc, LN) giành được khá nhiều phiếu bầu so với kỳ bầu cử trước. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ đối với các chính đảng truyền thống như đảng PD và đảng Tiến lên Italy (FI) lại sụt giảm mạnh.
Sự thắng thế của các đảng dân túy và cực hữu ở Italy được cho là một đòn mạnh giáng vào Liên minh châu Âu và khiến giới đầu tư quan ngại.
Phong trào dân túy ở nhiều nước thời gian qua tuy chưa đủ sức trỗi dậy mạnh mẽ nhưng vẫn đang âm ỉ ở châu Âu và có thể bùng phát trở lại sau cuộc bầu cử ở Italy. Trước bầu cử, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani từng phải kêu gọi cử tri Italy ủng hộ các đảng trung tả như đảng Dân chủ, chứ không nên bỏ phiếu cho các đảng dân túy chủ trương chống nhập cư, hoài nghi châu Âu như M5S hoặc đảng cực hữu Liên đoàn. Theo ông Tajani, EU cần “một Italy mạnh mẽ”, có những ý tưởng và chính sách mang lại lợi ích cho châu Âu. Tuy nhiên khá nhiều cử tri Italy lại có ý kiến khác với Chủ tịch Nghị viện châu Âu bằng cách bỏ phiếu ủng hộ cho phong trào dân túy.
Số khác tuy không ủng hộ nhưng lại cho rằng chủ nghĩa dân túy ở Italy là một "giai điệu" lặp đi lặp lại trong nền chính trị của Italy, với những cam kết phi thực tế trong các chiến dịch tranh cử. Những cam kết này được đưa ra là nhằm cho các mục đích vận động tranh cử, chứ không phải là hoạt động chính trị thực sự.
Kịch bản nào cho Italy
Vì không có đảng hoặc liên minh chính đảng nào giành được đa số, Tổng thống Italy Sergio Mattarella sẽ quyết định chọn đảng hoặc liên minh chính đảng phù hợp nhất đứng ra đàm phán với các đảng khác để thành lập chính phủ.
Triển vọng thành lập một đại liên minh giữa liên minh cánh hữu và đảng PD trung tả dường như là một kịch bản đang được các nhà đầu tư và giới chức Liên minh châu Âu kỳ vọng.
Một kịch bản khác cũng đang được đề cập đến là khả năng một liên minh dân túy và cực hữu có thể được thành lập. Trước đây, cả đảng M5S lẫn đảng Liên đoàn đều đã từng loại trừ khả năng liên minh với nhau hậu bầu cử, nhưng tình hình hiện nay cho thấy đây cũng là một lựa chọn khả thi để có thể kiểm soát được đa số tại quốc hội. Tuy nhiên một liên minh như thế có thể gây nên những quan ngại đối với khắp châu Âu do cả hai đảng này đều có quan điểm chống nhập cư và hoài nghi châu Âu. Đảng M5S luôn khẳng định sẽ trở thành một lực lượng đối lập lớn trong cơ quan lập pháp và sẽ gây ảnh hưởng đến các chính sách thông qua các ủy ban trong quốc hội.
Mặt khác, cũng không thể loại trừ khả năng các chính đảng không thương lượng được với nhau và Italy sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới. Khi đó, quốc gia này có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị hậu bầu cử, tác động tiêu cực tới nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi chậm chạp cũng như làm đình trệ tiến trình cải cách cơ cấu mà Italy đang rất cần thúc đẩy. Còn nhớ trong cuộc bầu cử năm 2013, các chính đảng tại Italy phải mất hơn 2 tháng mới có thể thành lập được một Chính phủ.
Italy hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 của liên minh châu Âu nên những chính sách của quốc gia này trong thời gian tới còn ảnh hưởng quan trọng tới kinh tế khu vực cũng như tới những chính sách chung khác của EU. Vì vậy, không chỉ chính giới Italy mà cả EU đều đang dõi theo những động thái mới trên chính trường Italy, hy vọng về 1 Chính phủ thân châu Âu.