Không thể áp đặt đơn phương mà không dựa vào luật pháp quốc tế

(VOV5) - Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục có những bước nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” do nước này tự vẽ tại Biển Đông, trong đó xác định chủ quyền lãnh thổ trên gần như toàn bộ biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, mà không dựa vào bất kỳ căn cứ pháp lý nào. Không chỉ Việt Nam, các quốc gia ven biển ASEAN mà cộng đồng quốc tế yêu hòa bình, công lý đều đưa ra những ý kiến về vấn đề này

Không thể áp đặt đơn phương mà không dựa vào luật pháp quốc tế - ảnh 1
Đường lưỡi bò trên bản đồ do Trung Quốc tự vẽ. Nguồn Vietnam+

Ngày 28/10 vừa qua, một nhóm học giả Trung Quốc và Đài Loan thuộc Trung Quốc cùng tổ chức hội thảo đẩy mạnh nghiên cứu về cái gọi là “đường lưỡi bò”, chiếm gần trọn biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhóm học giả này đề xuất chính quyền “chọn lựa tài liệu lịch sử phù hợp để cộng tác đưa ra lập luận”, đồng thời đề xuất các công ty dầu khí Trung Quốc đại lục và Đài Loan thuộc Trung Quốc mở rộng hợp tác để thăm dò nguồn tài nguyên xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là hành động trái phép bất chấp luật pháp quốc tế và Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết. Rõ ràng, nếu có chứng cứ hợp pháp thì họ không cần phải gượng ép chọn lựa cái gọi là “tài liệu lịch sử phù hợp”. Thậm chí, trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn một tờ báo Trung Quốc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn từng thừa nhận rằng “sự hợp lý” trong tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông chỉ dựa trên luật pháp nước này mà chẳng viện dẫn bất cứ điều luật nào của luật pháp quốc tế. Cuộc hội thảo này dường như đang cố tình lờ đi tính sự thật của lịch sử và luật pháp quốc tế rằng Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Về vấn đề này, có thể khẳng định rằng dư luận quốc tế đều đồng tình với quan điểm của Việt Nam cũng như các quốc gia ven biển ASEAN là lấy luật pháp quốc tế làm căn cứ để giải quyết mọi tranh chấp. Chính vì vậy, đề xuất trên của học giả Trung Quốc và Đài Loan thuộc Trung Quốc đã đi ngược lại với quan điểm chung của các nhà nghiên cứu quốc tế cũng như dư luận chung. Nhiều cuộc hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức thời gian gần đây đều lên tiếng phản đối và phê phán khái niệm “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra là thiếu căn cứ khoa học, căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn.


Giáo sư luật Erik Franckx thuộc Đại học Vrije, Vương quốc Bỉ nhấn mạnh tấm bản đồ đường lưỡi bò này trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể là bằng chứng hợp pháp cho chủ quyền. Theo ông, Tổ chức thủy văn quốc tế - Cơ quan chuyên trách của Liên hiệp quốc- không tìm thấy biển tượng khoa học và thủy văn nào trên tấm bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc. Bản đồ này hoàn toàn mơ hồ, thiếu tính chính xác kỹ thuật và không có cơ sở pháp lý.


Giáo sư luật David Scott của Vương quốc Anh cũng cho rằng khi trình bản đồ đường lưỡi bò lên Liên hiệp quốc, Trung Quốc muốn hợp pháp hóa về danh xưng vùng biển mình đòi hỏi. Nhưng cùng lúc Trung Quốc lại từ chối đưa ra các bằng chứng kỹ thuật cho tấm bản đồ, từ chối tuân thủ Công ước luật biển của LHQ (UNCLOS) và cũng không muốn đưa các vấn đề tranh chấp với các nước láng giềng ra một định chế tài phán quốc tế nào. Lý giải cho điều này, giáo sư luật Monique Chemillier-Gendreau, Đại học Paris-Diderot, Cộng hòa Pháp khẳng định chính vì Trung Quốc không thể cung cấp những chứng cứ khoa học cho cái mà họ đã đệ trình bởi họ chẳng có gì trong tay nên Bắc Kinh không muốn có tòa quốc tế nào phân xử tranh chấp trên biển Đông.


Trong trường hợp đòi chủ quyền lãnh thổ, theo thực tiễn áp dụng từ xưa cho đến nay, nước đòi hỏi chủ quyền phải dựa trên pháp luật theo tập quán. Trung Quốc trên thực tế chỉ đề cập các quần đảo trên biển Đông trong tài liệu từ năm 1930. Trong khi các vua chúa An Nam đã lập địa bạ về Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 17. Điều đó có nghĩa trên phương diện luật pháp và chứng cứ kiểm chứng được, các tài liệu do Việt Nam đưa ra có thời gian lâu hơn. Theo nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình đã từng áp dụng từ lâu trên thế giới, Việt Nam đã thực hiện chủ quyền với danh nghĩa Nhà nước đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa qua lịch sử mà không hề có một quốc gia nào lên tiếng phản đối. Như vậy, Việt Nam đã xác lập chủ quyền tại hai quần đảo này không chỉ dựa trên những chứng cứ lịch sử mà còn dựa trên cơ sở chiếm hữu thật sự, hòa bình và liên tục theo đúng nguyên tắc pháp lý quốc tế. Còn Hiệu trưởng trường chính sách công Lý Quang Diệu Singapore, Giáo sư Kishore Mahbubani, lo ngại rằng yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc có thể làm hỏng 20 năm gây dựng thiện chí với ASEAN. Thậm chí, vị giáo sư này còn cho rằng việc Trung Quốc năm 2009 gửi Công hàm lên Liên hiệp quốc để đưa ra yêu sách đường lưỡi bò là hành động không khôn ngoan vì Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn trong việc biện bộ cho yêu sách của mình theo luật quốc tế.


Rõ ràng là, việc đòi hỏi chủ quyền mà thiếu cơ sở pháp lý, căn cứ khoa học, thực tiễn, không tuân thủ luật pháp quốc tế thì khó có thể thuyết phục được dư luận. Mong muốn một môi trường hòa bình cho biển Đông không chỉ là nguyện vọng riêng của Việt Nam, mà còn là của tất cả các nước trong khu vực và các quốc gia khác có lợi ích liên quan. Dư luận quốc tế cho rằng, không thể đòi hỏi chủ quyền và bảo vệ lợi ích của mình tại biển Đông một cách áp đặt đơn phương như cách các vị học giả Trung Quốc và Đài Loan thuộc Trung Quốc đã thực hiện./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác