(VOV5) - Các vụ do thám trực tuyến và điện thoại quy mô lớn trên toàn cầu liên tục được tiết lộ trong những ngày qua liên quan đến nhiều quốc gia trên thế giới. Phẫn nộ, lên án, chỉ trích, đe dọa bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế là những cung bậc cảm xúc của các quốc gia vốn được xem là bị hại. Hơn lúc nào hết, thế giới đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin trầm trọng và dường như sau khái niệm khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, người dân tại mọi quốc gia lại đang phải dần làm quen với khái niệm mới: "Khủng hoảng niềm tin toàn cầu".
|
Bạch tuộc NSA. Tranh: Steve Sack (Mỹ). |
Từ những tiết lộ gây sốc của Edward Snowden…
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 4/11, tờ Guardian của Anh dẫn lời Cựu nhân viên tình báo Mỹ (CIA) Edward Snowden-kẻ tội đồ của nước Mỹ- cho biết các cơ quan tình báo Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Thụy Điển cũng đang hợp tác với Anh tiến hành các chương trình do thám trực tuyến và điện thoại quy mô lớn trên toàn thế giới. Theo đó, Cơ quan tình báo thông tin của Anh nắm giữ vai trò lãnh đạo trong việc hỗ trợ các nước khác tiến hành do thám bằng cách truy cập trực tiếp vào hệ thống cáp quang hay thông qua các mối quan hệ bí mật với nhiều công ty viễn thông và các hoạt động này được thực hiện suốt từ năm 2008.
Tiết lộ mới gây sốc này thực sự đã làm “bối rối” các chính phủ Châu Âu, bởi trước đó những nước này đã từng lớn tiếng chỉ trích chương trình do thám toàn cầu của Mỹ, thậm chí Đức và Brazil còn đang khẩn trương soạn thảo nghị quyết lên án chương trình gián điệp của Mỹ để trình lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu cũng nhất trí thành lập “một mặt trận chung” nhằm chống lại chương trình do thám của Mỹ và cử một phái đoàn quan chức đến Washington để chất vấn Mỹ. Trước những tiết lộ mới này, Cơ quan tình báo Đức lập tức lên tiếng biện minh rằng họ chỉ trao đổi kinh nghiệm với tình báo Anh và một số nước châu Âu về vấn đề kỹ thuật do thám chứ họ không làm gì vi phạm luật. Cơ quan tình báo Thụy Điển thì cho rằng tất cả các hoạt động của họ đều nằm trong khuôn khổ pháp lý và trong tầm kiểm soát và coi việc hợp tác với các cơ quan tình báo các nước là việc hết sức tự nhiên.
Đến những hệ lụy
Rõ ràng, các hoạt động do thám với mức độ ngang nhiên và quy mô lớn đang gây nên cơn bão ngoại giao giữa Mỹ với hàng loạt các nước, gây nên những hậu quả khó lường. Trước hết, hậu quả của cáo buộc nghe lén đe dọa rất nhiều đến những ưu tiên của Mỹ và EU, trong đó có thể kể đến những nỗ lực chung lâu nay trong cuộc chiến chống khủng bố. Mới đây, Nghị viện Châu Âu đã biểu quyết đình chỉ thỏa thuận chia sẻ dữ liệu tài chính của Châu Âu với Mỹ, vốn nhằm đến những nghi can khủng bố. EU cũng cảnh báo những cuộc thương thảo mậu dịch song phương giữa Mỹ và EU sẽ bị tổn hại nghiêm trọng khi mới đây Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz tuyên bố đây là lúc nên dừng lại và suy nghĩ kỹ về cách tiếp cận thỏa thuận thương mại tự do như thế nào. Chưa biết tác động lâu dài của việc do thám gián điệp này đến đâu nhưng nó đã làm chậm tiến trình đi đến thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất trong lịch sử, tương ứng với một nửa sản lượng kinh tế thế giới và khoảng 30% mậu dịch toàn cầu. Bê bối nghe lén còn tác động trực tiếp tới uy tín và doanh thu của các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu như Google và Apple, kéo lùi sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Không dừng lại ở những lời cáo buộc và chỉ trích, cơn bão nghe lén còn là cái cớ để những kẻ xấu tung hoành. Mới đây, hacker quốc đảo Indonesia đã đánh sập 200 trang web của Australia để trả thù việc nước này bị Australia và Mỹ nghe lén. Sự giận dữ bắt nguồn từ một tài liệu do E.Snowden cung cấp tiết lộ rằng Australia và Mỹ đã hợp tác với nhau cùng do thám Indonesia trong một hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2007 tại Bali, trong đó số điện thoại của các quan chức an ninh Indonesia bị tình báo Australia và Mỹ thu thập.
Không thể áp đặt lợi ích quốc gia lên thông lệ quốc tế
Từ những diễn biến trên có thể thấy lòng tin là thứ đang thiếu vắng trong đời sống chính trị quốc tế hiện nay. Một chuyên gia nghiên cứu các vấn đề an ninh quốc tế Đức đã nhận định: "Lòng tin là chỉ số quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế. Chỉ số lòng tin bị ảnh hưởng sẽ gây ra những rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ".
Trong thời đại kỹ thuật số và công nghệ thông tin phát triển chóng mặt như hiện nay, không thể phủ nhận, nắm được quyền kiểm soát không gian mạng, một quốc gia sẽ có rất nhiều lợi thế, khi mà công nghệ máy tính và mạng internet được áp dụng hầu như triệt để trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, từ y tế, giáo dục cho tới quân sự và thậm chí các công việc điều hành quốc gia. Các hoạt động do thám, tính báo hay nghe lén là một phần của chiến tranh mạng. Tuy nhiên, nếu đi quá đà và không có bất cứ một thỏa thuận ràng buộc nào, hệ quả nhãn tiền sẽ là một cuộc "chiến tranh thông tin" giữa các bên liên quan. Sẽ khó có thể xác định được bên nào đang tấn công bên nào khi mà cộng đồng quốc tế hiện nay đang thiếu các quy tắc nhằm kiểm soát hành động của các quốc gia liên quan trên không gian mạng. Càng không thể lợi dụng cái gọi là an ninh quốc gia nhằm xâm phạm tới lợi ích của các nước khác, bởi điều đó có thể kích hoạt những hành động trả đũa, gây nên những hậu quả khó lường./.