Kinh tế Châu Âu và những hệ lụy từ gánh nặng nợ công

(VOV5) - Làn sóng biểu tình tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để phản đối các biện pháp tăng thuế và giảm chi tiêu mà chính phủ ban hành theo điều kiện của gói cứu trợ tài chính, đang lan rộng và có nguy cơ trở thành bạo động. Tiếp sau hàng loạt các quốc gia như Hy Lạp, Ireland, Italia, 2 nền kinh tế lớn thứ 4,5 trong khu vực rơi vào suy thoái kép khiến cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu thêm trầm trọng. Giải pháp nào có thể giúp Châu Âu vượt qua thời kỳ đen tối như hiện nay là câu hỏi mà các nhà lãnh đạo Châu Âu vẫn chưa có lời giải, bởi thực tế, việc giảm gánh nặng nợ và tăng ngân sách nhờ cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế là những biện pháp đã và đang áp dụng trong khu vực vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Kinh tế Châu Âu và những hệ lụy từ gánh nặng nợ công - ảnh 1
Ảnh:vneconomy.vn


Hàng chục nghìn người từ khắp nơi trên cả nước Tây Ban Nha 3 ngày qua đã tập hợp về thủ đô Madrid tham gia cuộc biểu tình lớn phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ của chính phủ nước này. Cuộc biểu tình do liên minh “Hội nghị thượng đỉnh xã hội” gồm hàng trăm tổ chức xã hội đứng ra kêu gọi. Phần lớn những người tham gia biểu tình là viên chức nhà nước, phản đối việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu cho dịch vụ xã hội. Những người biểu tình giương cao khẩu hiệu cho rằng chính phủ Tây Ban Nha đang thực hiện chính sách phục vụ lợi ích của các thị trường tài chính quốc tế, Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chứ không phải vì lợi ích của nhân dân Tây Ban Nha. Cuộc biểu tình nổ ra sau khi chính phủ nước này tuyên bố sẽ đưa ra những cải cách kinh tế mới vào cuối tháng này, theo đó sẽ tăng cường các biện pháp thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu khoảng 125 tỷ USD trong vòng 3 năm. Đổi lại, Madrid sẽ nhận được 36 tỷ USD đầu tiên ngay trong tháng này từ gói cứu trợ trị giá 122 tỷ USD từ IMF và các định chế tài chính Châu Âu, nhằm giúp các ngân hàng nước này đối phó với các khoản nợ xấu do tác động từ bong bóng bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25%.

Còn tại Bồ Đào Nha, biểu tình cũng đã nổ ra tại thủ đô Lisbon và nhiều thành phố khác với sự tham gia của gần trăm nghìn người, thậm chí đã xảy ra đụng độ giữa những người biểu tình với lực lượng an ninh bên ngoài trụ sở quốc hội. Văn phòng của IMF cũng là mục tiêu tấn công của những người biểu tình. Nguyên nhân cũng là do để nhận được khoản vay trị giá 110 tỷ USD, chính phủ nước này phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, theo đó người làm công phải chi trả nhiều tiền hơn cho các dịch vụ an sinh xã hội. Dư luận chỉ trích các biện pháp cắt giảm này chủ yếu đánh vào tầng lớp lao động chứ không ảnh hưởng nhiều đến những người giầu có.

Các cuộc biểu tình nổ ra cho thấy kịch bản giảm gánh nặng nợ và tăng ngân sách nhờ cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế dẫn đến bức xúc, bất ổn trong xã hội liên tục được lặp lại ở các quốc gia trong khu vực. Dư luận chỉ trích các biện pháp cắt giảm chủ yếu đánh vào tầng lớp lao động chứ không ảnh hưởng nhiều đến những người giàu có. Những chính sách thắt lưng buộc bụng thực tế đã tỏ ra không phát huy hiệu quả mà chỉ mang tính chất tạm thời. Các nền kinh tế yếu nhất khu vực đang phải chống đỡ với nhiều khó khăn, từ tốc độ tăng trưởng èo uột, mất khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế đến thâm hụt tài khoản vãng lai, tỷ lệ thất nghiệp cao, đối mặt với nguy cơ đổ vỡ nghiêm trọng và thậm chí bị loại khỏi eurozone.

Khi ra đời, đồng tiền chung euro từng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia thành viên với mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng hơn. Tuy nhiên, cách thức vận hành khác nhau của các nền kinh tế thành viên đã dẫn tới sự phân cực trong khu vực. Một số quốc gia đã phải đánh đổi tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng rủi ro lạm phát tăng cao, thâm hụt thương mại, dẫn đến tình trạng mất cân đối trong khu vực.

Giải pháp nào có thể giúp châu Âu vượt qua được thời kỳ đen tối như hiện nay? Câu hỏi này các vị lãnh đạo và các chuyên gia kinh tế châu Âu vẫn đang loay hoay tìm lời giải. Gần đây, tuy các nhà lãnh đạo eurozone đã ít nhiều tìm được tiếng nói chung khi nhất trí kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng, hay thành lập cơ chế giám sát ngân hàng chung, nhưng theo nhiều nhà quan sát, khu vực này vẫn cần những giải pháp căn cơ hơn nữa. Việc tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ mở rộng cùng các gói nới lỏng định lượng như Mỹ đã và đang làm có thể là một hướng đi hợp lý. Theo đó, sẽ phải hạ lãi suất thấp hơn nữa và phải tăng lượng tiền cơ sở lưu thông trên thị trường để có thể mua trực tiếp các khoản nợ của quốc gia thành viên. Cùng với đó, EU cần bắt đầu san lấp khoảng cách về độ tín nhiệm tín dụng giữa các nền kinh tế và phát hành Eurobond (trái phiếu khu vực) nhằm giảm chi phí tài chính cho các nền kinh tế thiếu ổn định tài chính. Tuy nhiên, cho đến nay đề xuất phát hành eurobond nhằm hạ chi phí vốn cho các nước thành viên eurozone vẫn vấp phải sự chống đối từ Đức. Châu Âu vẫn chưa nhận được sự đồng thuận về mặt chính trị của các quốc gia thành viên khi lợi ích của từng quốc gia còn nhiều khác biệt.

Có thể thấy, cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực sử dụng đồng Euro còn một chặng đường dài để đi trước khi khép lại. Vấn đề hiện nay là châu Âu cần giữ niềm tin vào đồng tiền chung của mình. Thêm vào đó, trong việc sử dụng biện pháp cắt giảm chi tiêu, cần có sự linh hoạt, công bằng, có như vậy mới đạt được sự đồng thuận cao đối với mọi tầng lớp nhân dân. Giới phân tích cho rằng, chỉ khi gỡ dần từng "nút thắt" thế bế tắc mới dần được khai thông, có như vậy, mới tránh được tin xấu đối với nền kinh tế toàn cầu. Xem ra, chặng đường đó vẫn còn đầy chông gai bởi theo dự báo, khối sử dụng đồng tiền chung gồm 17 quốc gia này sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay do không thể giải quyết được khủng hoảng nợ và mở đường cho phục hồi tăng trưởng./.

 

 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác