(VOV5) - Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đang có chuyến công du 7 ngày từ 20 - 27/4 đến 4 quốc gia châu Âu là Đức, Iceland, Thuỵ Điển và Ba Lan. Chuyến thăm được nhận định là có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Trung Quốc và các nước thuộc châu Âu. Bài viết của Biên tập viên Hồng Vân nhan đề Kinh tế - đích đến trong chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Trung Quốc.
Có thể dễ dàng nhận thấy 4 quốc gia mà Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo lựa chọn để đến thăm lần này đều có vai trò quan trọng đối với Trung Quốc, đặc biệt là về mặt kinh tế. Nếu như Đức được biết đến là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Ba Lan là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Âu thì Iceland và Thuỵ Điển lại là 2 quốc gia bắc Âu có trữ lượng dầu khí to lớn. Chẳng thế mà Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tống Đào tuyên bố rõ rằng ngoài các cuộc hội đàm với lãnh đạo các nước về tăng cường quan hệ song phương, trong đó có cuộc gặp với lãnh đạo Liên minh châu Âu ở Warsaw, Thủ tướng Ôn Gia Bảo còn tham dự Hội chợ công nghiệp Hannover ở Đức để gặp gỡ giới doanh nghiệp Đức đồng thời thăm dò khả năng Trung Quốc tham gia khai thác dầu lửa ở bắc Cực và mở đường hàng hải chở dầu thô từ Iceland về Thượng Hải.
Thực tế kết quả chuyến thăm Đức và Iceland đã diễn ra theo đúng dự định của đại diện Bộ ngoại giao Trung Quốc. Trong hoạt động đầu tiên của chuyến thăm Đức, khi tham dự lễ khai trương Triển lãm công nghiệp Hanover, Thủ tướng Trung Quốc tái khẳng định quốc sách cơ bản mở cửa đối ngoại của Trung Quốc sẽ không thay đổi. Tất cả các công ty tham gia tại Hội chợ Hanover đều là những trụ cột hoặc gương mặt mới của nền công nghiệp toàn cầu và Trung Quốc muốn mời tất cả các công ty tham gia vào quá trình cải cách của Trung Quốc. Cũng trong chuyến thăm Đức lần này, hai bên thảo luận về việc cho phép tập đoàn Volkswagen của Đức mở một nhà máy chế tạo ô tô mới ở Tân Cương của Trung Quốc.
Nếu như chuyến thăm Đức là nhằm tăng cường hợp tác kinh tế đơn thuần thì tại quốc gia bắc Âu Iceland, trọng tâm mà lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt chú ý là đạt được những thoả thuận quan trọng liên quan đến địa nhiệt và bắc Cực. Trong chuyến thăm ngày 20/4, lãnh đạo 2 bên đã ký 6 hiệp định hợp tác các lĩnh vực khoa học, công nghệ hàng hải, nhiệt điện. Đặc biệt, trong các hiệp định ký kết có hiệp định khung về bắc Cực. Đây có thể nói là những kết quả rất đáng chú ý của chuyến thăm vì thật dễ hiểu, Iceland nằm trên tuyến đường giữa châu Âu và bắc Cực. Tốc độ băng tan chảy 30% trong 30 năm qua tại khu vực này đã mở ra tuyến đường hàng hải mới, giúp giảm tối đa thời gian vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu, thậm chí giới khoa học nhận định rằng bắc Cực có thể trở thành tuyến đường thương mại quan trọng nhất thế giới trong tương lai. Nếu khai thác thành công thì tuyến hàng hải nối Thượng Hải với châu Âu đi qua Bắc Cực sẽ giảm được khoảng 6.400km so với tuyến đường xuyên qua kênh đào Suez hiện nay. Ngoài lợi ích về hàng hải, hợp tác khai thác dầu mỏ cũng được lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt chú trọng. Theo tính toán của Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, vùng Bắc cực chiếm tới 13% trữ lượng dầu mỏ của thế giới và 30% lượng khí đốt chưa được khai phá.
Đang trong lộ trình thăm chính thức Thuỵ Điển, lãnh đạo 2 bên dự kiến sẽ ký kết một loạt thỏa thuận trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và bảo tồn nguồn năng lượng. Hai bên cũng thảo luận những vấn đề có tính định hướng cho mối quan hệ song phương trong tương lai như thương mại, các chính sách về nghiên cứu và phát triển, công nghệ môi trường….Ngoài ra, theo giới phân tích, một trong những lý do mà lãnh đạo Trung Quốc hướng đến trong chuyến thăm Thuỵ Điển là tìm kiếm quy chế là nước quan sát viên thường trực trong Hội đồng bắc Cực, một diễn đàn liên Chính phủ được thành lập năm 1996 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa 8 nước có đường biên giới tại bắc Cực gồm Iceland, Thụy Điển, Canada, Mỹ, Nga, Na Uy, Phần Lan và Đan Mạch. Các vấn đề như khai thác dầu và khí đốt, các tuyến đường vận chuyển…là những yếu tố quan trọng và cũng là công việc chính của Hội đồng. Và Thụy Điển, nước thành viên của Hội đồng Bắc cực, đã ủng hộ Trung Quốc gia nhập tổ chức này với tư cách quan sát viên vĩnh viễn. Do đó, thắt chặt quan hệ với Thuỵ Điển để tranh thủ sự ủng hộ của nước này được coi là rất quan trọng đối với Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.
Quốc gia cuối cùng trong chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo chính là Ba lan, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Âu. Dự kiến 2 bên sẽ có những cuộc thảo luận để tăng cường hơn nữa kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới.
Diễn ra trong 7 ngày, chuyến công du một số nước châu Âu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho thấy rõ mong muốn tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế của Trung Quốc với các nước thuộc lục địa già hiện nay, qua đó củng cố vị trí là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới của Trung Quốc./.