Kinh tế toàn cầu: triển vọng tích cực nhưng chưa hết thách thức

(VOV5) - Theo các số liệu mới công bố, nhiều nền kinh tế lớn đang có sự phục hồi và tăng trưởng tốt vượt dự báo, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế toàn cầu phục hồi và tăng trưởng.

Thời gian qua, nền kinh tế thế giới liên tiếp ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực về sự phục hồi và tăng trưởng, nhất là tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn được cho là đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, đặc biệt là từ bối cảnh địa chính trị phức tạp liên quan đến nhiều thực thể có tầm ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn cầu. Thực tế này cho thấy các nền kinh tế vẫn cần nhiều nỗ lực và tập trung nguồn lực cho giai đoạn tới, đồng thời kiên định với mục tiêu phát triển bền vững để vượt qua khó khăn.

Kinh tế toàn cầu: triển vọng tích cực nhưng chưa hết thách thức  - ảnh 1Nhiều tổ chức quốc tế như Moody, WB, IMF, ADB… đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ảnh minh họa: kinhtemoitruong.vn

Theo các số liệu mới công bố, nhiều nền kinh tế lớn đang có sự phục hồi và tăng trưởng tốt vượt dự báo, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế toàn cầu phục hồi và tăng trưởng.        

Những tín hiệu tích cực

Theo số liệu công bố ngày 27/10 của Bộ Thương mại Mỹ, sau hai quý giảm tăng trưởng liên tiếp (quý I-II/2022), nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ) bất ngờ ghi nhận mức tăng trưởng GDP lên tới 2,6% trong quý III vừa qua. Về mặt lý thuyết, kết quả này đồng nghĩa với việc nền kinh tế số một thế giới đã chấm dứt đà suy thoái (tức có hai quý giảm tăng trưởng liên tiếp). Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng mức tăng trưởng GDP này là bằng chứng mới nhất cho thấy đà phục hồi kinh tế của Mỹ vẫn đang tiếp diễn. Trước đó ít ngày, các nhà kinh tế học trong khảo sát của Refinitiv cũng dự báo GDP Mỹ tăng 2,4% trong quý III/2022, thấp hơn một chút so với số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, nhưng xác nhận sự đảo chiều của xu hướng tăng trưởng GDP Mỹ sau khi ghi nhận hai quý liên tiếp suy giảm tăng trưởng.. 

Cùng lúc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc thông báo đạt mức tăng trưởng tốt trong quý III/2022. Theo đó, trong quý vừa qua, kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng lên tới 3,9%, cao hơn dự báo của các nhà phân tích trong khảo sát của Reuters là 3,4%, đồng thời cao gấp gần 10 lần mức tăng trưởng chỉ có 0,4% đạt được trong quý II/2022. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đánh giá nền kinh tế nước này đã vượt qua ảnh hưởng tiêu cực từ "nhiều cú sốc bất ngờ", các chỉ số chính của nền kinh tế đã phục hồi và ổn định “trong ngưỡng hợp lý".

Đà tăng trưởng tốt trong quý III/2022 cũng được ghi nhận tại nhiều nền kinh tế quy mô vừa và lớn ở các khu vực khác trên thế giới. Đơn cử, trong bản tin Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2022 công bố ngày 20/10/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận trong quý III/2022, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. Cộng dồn 3 quý của năm 2022, chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đạt 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, nhiều tổ chức quốc tế như Moody, WB, IMF, ADB…, đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 và 2023 thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á.

Theo các chuyên gia và định chế tài chính - kinh tế quốc tế, mức tăng trưởng tốt trong quý III/2022 của các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế đầu tàu, là tín hiệu tích cực với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức với tổng thể kinh tế thế giới cũng như các nền kinh tế thành viên, vẫn được cho là ở mức nghiêm trọng.

Thách thức cần vượt qua

Phân tích số liệu tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, hãng tin Bloomberg cho rằng: bức tranh kinh tế Mỹ đang rất "kỳ lạ". Các dấu hiệu thể hiện trái chiều. Giá tiêu dùng vẫn tăng, chi tiêu hộ gia đình đang chịu áp lực, lãi suất vay thế chấp tăng cao đang bắt đầu làm hạ nhiệt thị trường nhà ở, còn tỷ lệ thất nghiệp lại ở mức thấp nhất 5 thập kỷ. Các công ty lớn thì báo cáo kết quả kinh doanh trái ngược nhau, khiến thị trường chứng khoán bối rối. Trong khi đó, các nhà kinh tế học tại Morgan Stanley cho rằng quý III có khả năng là đỉnh tăng trưởng, tức là quý IV/2022 và có thể cả năm 2023 sẽ không đạt được mức tăng trưởng này. Tương tự, Brittany Brinckerhoff, Cố vấn tài chính tại Hilltop Wealth Advisors ở Bắc Carolina (Mỹ), nhận định lạm phát vẫn ở mức cao và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn có khả năng tiếp tục tăng lãi suất. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế có thể tiếp tục chậm lại. Thận trọng hơn, Richard F. Moody, Kinh tế trưởng tại Regions Financial đánh giá tình trạng chung của nền kinh tế Mỹ là đang xấu đi. Nguyên nhân chủ yếu do lạm phát tăng và lãi suất cao hơn.

Tương tự, với các số liệu của kinh tế Trung Quốc và một số nền kinh tế có mức tăng trưởng tốt khác, các chuyên gia và định chế tài chính – kinh tế quốc tế đã chỉ ra những thách thức, thậm chí cả rủi ro một cách rõ ràng. Trong khi đó, bối cảnh địa chính trị tại nhiều khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại châu Âu với xung đột Nga-Ukraine kéo dài và khu vực Đông Bắc Á với những căng thẳng đáng lo ngại, càng đặt ra thêm rủi ro và thách thức với kinh tế toàn cầu nói chung và mỗi nền kinh tế nói riêng. Do đó, cùng với việc tăng cường nỗ lực và hợp tác quốc tế để hạ nhiệt các điểm nóng địa chính trị, các Chính phủ vẫn cần chủ động phương án đối phó với những kịch bản không mong muốn để bảo vệ nền kinh tế của mình.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác