(VOV5) - Các đại biểu Quốc hội đồng tình với đề nghị của Chính phủ là trong giai đoạn hiện nay Việt Nam tiếp tục ưu tiên bảo đảm ổn định nền kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Sau 1 tháng làm việc, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV bế mạc ngày 24/11/2017 ở Thủ đô Hà Nội.
Trong kỳ họp này, Quốc hội hoàn thành được khối lượng lớn công việc, thông qua nhiều Luật, Nghị quyết quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quốc hội đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới, dân chủ và hiệu quả trong các hoạt động tại kỳ họp này.
Ảnh minh họa |
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV để lại dấu ấn trong việc thực thi các nhiệm vụ của Quốc hội trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. . Trong công tác lập pháp, Quốc hội đã thông qua 6 dự án Luật, một số Nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án Luật khác.
Tinh thần đổi mới, dân chủ
Điểm nhấn của cả kỳ họp là trong công tác điều hành. Các đại biểu, đoàn đại biểu đều được tạo điều kiện phát biểu và tranh luận tại các phiên họp, đặc biệt là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Những phiên thảo luận, tranh luận diễn ra cởi mở, thẳng thắn, dân chủ. Những ý kiến của các đại biểu Quốc hội thể hiện rõ trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trước cử tri, nhân dân.
Tiếp tục tinh thần đổi mới, dân chủ, trách nhiệm, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội dành 3 ngày để thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn, là minh chứng ngày càng hiệu quả chức năng giám sát của Quốc hội. Các vấn đề được lựa chọn chất vấn đều rất thiết thực, bám sát thực tiễn cuộc sống. Nhiều câu hỏi, trả lời sắc sảo và các vấn đề được tranh luận đến cùng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: “Nhìn chung các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi và xây dựng. Đại biểu Quốc hội thể hiện tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, đặc biệt là tích cực tham gia tranh luận, không chỉ tranh luận giữa các đại biểu với nhau mà còn tranh luận với các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn để làm rõ vấn đề. Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ nghiêm túc trả lời đầy đủ, thẳng thắn nhiều vấn đề thuộc phạm vi phụ trách; cam kết khắc phục những tồn tại hạn chế, quyết tâm nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành, tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.”
Công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp lần này cũng được cải tiến một bước. Số lượng các phiên họp của Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp là 12 buổi, so với các kỳ họp gần đây có tăng lên. Đặc biệt, Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận những nội dung quan trọng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác giám sát. Cử tri đánh giá cao những sự đổi mới này, góp phần tạo chuyển biến tích cực của đất nước trên mọi lĩnh vực trong thời gian tới. Anh Vương Xuân Hiệp, cử tri ở thành phố Hà Nội, cho biết: “Kỳ họp Quốc hội này, Quốc hội nâng thời gian truyền hình trực tiếp như vậy là tăng sự quan tâm của cử tri. Tôi thấy chất lượng được nâng lên nhiều so với các kỳ họp trước. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng là người trả lời chất vấn tốt nhất. Thống đốc Lê Minh Hưng không cần tài liệu mà trực tiếp trả lời một cách đầy đủ, chính xác, trúng với mong muốn nguyện vọng của nhân dân và cử tri.”
Bàn các giải pháp triển kinh tế-xã hội để đưa đất nước tiến lên
Tại kỳ họp này, tình hình phát triển kinh tế, xã hội là nội dung được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, thảo luận. Các đại biểu Quốc hội đồng tình với đề nghị của Chính phủ là trong giai đoạn hiện nay Việt Nam tiếp tục ưu tiên bảo đảm ổn định nền kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cho rằng: “Có thể nói là không phải bản thân tôi mà kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước rất có niềm tin vào kỳ họp lần này. Bởi lẽ tình hình kinh tế-xã hội đã có những bước phát triển, GDP năm 2017 dự kiến tăng 6,7%. Đó là bước đột phá, làm tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo.”
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Chính phủ; coi đây là bước đột phá trong chính sách điều hành kinh tế-xã hội. Các đại biểu Quốc hội cũng đóng góp ý kiến sâu rộng vào các dự án Luật liên quan tới kinh tế, xã hội như: Luật cạnh tranh (sửa đổi); Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV thực sự phát huy tinh thần dân chủ, trí tuệ, sáng tạo. Kỳ họp lần này thể hiện quyết tâm đổi mới hoạt động của Quốc hội, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Kết quả của kỳ họp đã góp phần đưa đất nước tiến lên, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.