(VOV5) - Kỳ họp không chỉ thông qua những quyết sách quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội đất nước mà còn đặt nền móng cho những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
Ngày 19/06, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV bế mạc tại Hà Nội. Đây là kỳ họp đặc biệt trong lịch sử Quốc hội Việt Nam. Kỳ họp không chỉ thông qua những quyết sách quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh bị ảnh hướng bởi dịch Covid - 19, mở rộng cánh cửa trao đổi thương mại với Liên minh châu Âu mà còn đặt nền móng cho những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
Ảnh minh họa: quochoi.vn
|
Bối cảnh diễn ra Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV khá đặc biệt khi dịch Covid – 19 ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội Việt Nam. Tình hình này buộc kỳ họp phải chia thành 2 đợt: họp trực tuyến và họp tập trung.
Đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội
Việc Quốc hội họp trực tuyến trong 8 ngày của đợt 1 là tình huống bất khả kháng khi dịch Covid - 19 vẫn chưa được đẩy lùi hoàn toàn, nhưng lại tạo bước chuyển lớn trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội Việt Nam họp với hình thức trực tuyến, kết nối 63 điểm cầu. Trong 1 tuần họp, Quốc hội đã thảo luận về 10 dự án luật, 07 dự thảo nghị quyết; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; nghe tờ trình về 06 dự án luật khác và các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước…. Đánh giá về hiệu quả đợt họp này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, cho biết: Kỳ họp thứ 9,Quốc hội khóa XIV là kỳ họp đặc biệt. Với sự phối hợp chặt chẽ của văn phòng Quốc hội, trách nhiệm của từng đại biểu, từng đoàn đại biểu, chúng ta đảm bảo về mặt nội dung, thời gian, hình thức để cùng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Đổi mới phương thức làm việc nhằm thích ứng với đại dịch Covid-19 là cần thiết, đồng thời cũng là cơ hội để áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, đưa thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào các hoạt động của Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: Quốc hội điện tử sử dụng những thiết bị thông minh, phần mềm thông minh tương tác tốt hơn. Đây cũng là một trong những chủ trương của lãnh đạo Quốc hội trong thời gian tới. Trong thời đại kỹ thuật số này,Quốc hội phải có sự chuyển mình, đẩy mạnh công nghệ thông tin để chúng ta triển khai, tổ chức thực hiện nhanh nhất những chủ trương, chính sách.
Những quyết sách quan trọng để phục hồi kinh tế, hội nhập quốc tế
Kỳ họp thứ 9 cũng ghi dấu ấn trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam khi tại kỳ họp này, Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối. Đây là thủ tục pháp lý cuối cùng để Hiệp định có hiệu lực vào đầu tháng 8 tới, mở toang cánh cửa để doanh nghiệp Việt Nam tiến vào thị trường liên minh châu Âu rộng lớn. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, đánh giá: Việc Quốc hội phê chuẩn hiệp định này trong bối cảnh Việt Nam vừa vượt ra khỏi dịch Covid và đang trong quá trình tái khởi động nền kinh tế càng có ý nghĩa quan trọng vì đây chính là động lực để chúng ta phát triển và EVFTA có thể chính là động lực quan trọng đó. Tăng cường hợp tác với EU chúng ta sẽ có điều kiện tiếp cận thị trường gần 450 triệu dân với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Chúng ta có thể khai thông dòng chảy vốn FDI chất lượng cao từ EU vào Việt Nam.
Điểm nhấn nữa phải kể đến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV là việc Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận, thông qua nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động như Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập năm 2020 cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, luật doanh nghiệp (sửa đổi), luật đầu tư (sửa đổi)... cũng như thảo luận những giải pháp hồi phục kinh tế sau dịch. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nội dung, trong đó có nhiều chính sách lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và phát triển trong thời gian tới.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV cũng bầu và phê chuẩn danh sách các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia, cơ quan có trách nhiệm cao nhất để tổ chức, điều hành cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Như vậy, sau gần 1 tháng làm việc, với cách thức điều hành linh hoạt, chủ động thích ứng, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình nghị sự đề ra, thông qua nhiều quyết sách lớn để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế cũng như đặt nền móng quan trọng trong đổi mới hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở Việt Nam.