Lối thoát nào cho chính trường Thái Lan?

(VOV5) - Hôm nay, nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra phải điều trần trước Ủy ban chống tham nhũng nước này về những cáo buộc là đã lơ là trách nhiệm trong việc triển khai chính sách hỗ trợ giá mua gạo cho nông dân, đồng thời để xảy ra tham nhũng và gây thiệt hại lớn cho ngân sách quốc gia. Giữa lúc các cuộc biểu tình chống chính phủ ngày càng dâng cao và vượt tầm kiểm soát, những cáo buộc mới khiên Chính phủ Thái Lan đang đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách và bất ổn chính trị tại nước này chưa thể tìm ra lối thoát. 

Lối thoát nào cho chính trường Thái Lan? - ảnh 1
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra


Được triển khai từ cách đây hơn 2 năm, chính sách trợ giá gạo được xem là một trong những cương lĩnh chính trị quan trọng nhất của nữ Thủ tướng Yingluck Shinatrawat, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nông dân, góp phần mang lại chiến thắng cho bà Yingluck trong cuộc bầu cử năm 2011. Theo đó, Chính phủ sẽ mua lúa gạo từ nông dân với giá cao hơn 50% so với giá thị trường nội địa. Với vị thế là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, động thái găm hàng này được dự báo sẽ làm giá gạo thế giới tăng mạnh và mang lại lợi nhuận cho Thái Lan.


Tác động ngược từ chính sách


Tuy nhiên, chính sách trợ giá này bị phá sản vì các quốc gia cạnh tranh đã bất ngờ nâng mức xuất khẩu gạo lại đang gây ra những tác dụng ngược cho bà Yingluck, thậm chí ảnh hưởng lớn đến vị thế chính trị của bà. Chính phủ của Thủ tướng Yingluck đang phải vật lộn với một lượng gạo tồn kho khổng lồ không thể bán được, trong khi giá lúa gạo thế giới đã không tăng lên như kỳ vọng. Chính sách trợ cấp này còn khiến Chính phủ Thái phải chi gần 10 tỉ USD năm, ảnh hưởng lớn đến cân bằng ngân sách quốc gia. Thậm chí, Chính phủ cũng không có đủ tiền trả cho nông dân và các khoản nợ hiện đã lên đến gần 4 tỉ USD. Việc triển khai chương trình cũng bị cáo buộc là để xảy ra tham nhũng tràn lan. Giờ đây, chính chương trình này là một trong những khuyết điểm mà phe chống đối lợi dụng để biểu tình.


Không chỉ là cái cớ để phe đối lập đẩy mạnh biểu tình, đòi phế truất Thủ tướng, tình trạng bất bình còn lan sang cả nông dân, tầng lớp luôn được coi là lực lượng hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho đảng Vì nước Thái  trong các cuộc bầu cử nhiều năm qua. Sự phẫn nộ của nông dân lên đến đỉnh điểm khi hồi tuần trước, hơn 2 nghìn nông dân Thái Lan đã lái hàng trăm xe máy cày cùng các xe nhà nông khác lên thủ đô để đòi tiền Chính phủ phụ cấp cho việc trồng lúa gạo. Dù chính phủ của Thủ tướng Yingluck đã quyết định giải ngân khoảng 16 triệu euro (tương đương hơn 22 triệu USD) để trả cho gần 4000 nông dân, nhưng theo ước tính con số này còn quá ít so với tổng số nợ 2,6 tỷ euro mà chính phủ phải chi trả cho nông dân như đã hứa. Tuy nhiên, với vị thế hiện nay, chính phủ lâm thời Thái Lan không thể đủ năng lực và thẩm quyền để giải quyết triệt để bài toán trợ giá cho nông dân.


Bế tắc không tìm ra lối thoát


Việc không có tiền để trả cho nông dân ít nhiều đã làm xói mòn sự ủng hộ của các cử tri vốn rất trung thành. Tuy nhiên, cho đến lúc này, chưa thể đánh giá được là những khó khăn trong việc thực hiện chương trình trợ giá gạo sẽ tác động ra sao đến tỷ lệ được lòng dân của chính phủ của bà Yingluck. Hiện tại, Thủ tướng Yingluck vẫn chưa có động thái mạnh tay đàn áp phong trào chống đối. Rõ ràng là nhà chức trách Thái muốn tránh không cho bất kỳ một tình huống bạo động không kiểm soát được nào xảy ra và ủng hộ việc đàm phán với giới lãnh đạo phong trào biểu tình.


Về lối thoát cho những bế tắc chính trị Thái Lan trong thời gian tới, các chuyên gia phân tích cho rằng khó có dấu hiệu cải thiện, bởi chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang phải đối mặt với một sự từ chối dứt khoát của phe biểu tình. Phe đối lập, đứng đầu là thủ lĩnh Suthep Thaugsuban đòi hỏi Thủ tướng Yingluck phải ra đi và nhường quyền lại cho một hội đồng gồm những người được chỉ định để thực hiện một công cuộc cải cách nhằm loại bỏ tham nhũng. Vấn đề là không ai biết là hội đồng đó sẽ được chỉ định như thế nào, cũng như là các cải cách cụ thể sẽ được đề xuất là gì. Một thỏa hiệp giữa chính phủ và đối lập có vẻ quá xa vời. Tuy nhiên, sự mềm mỏng của chính quyền Thái Lan lại đang khiến những người ủng hộ chính phủ dần mất kiên nhẫn. Mới đây, 4000 lãnh đạo phong trào Áo đỏ ủng hộ chính phủ từ khắp nơi trên cả nước đã nhóm họp, nhất trí thay đổi mục tiêu chiến lược. Hàng triệu người ủng hộ đang sẵn sàng kéo về Bangkok để đối đầu với lực lượng biểu tình chống đối. Thêm vào đó, nếu Chính phủ Thái Lan và Thủ tướng Yingluck bị Tòa án Tối cao kết tội tham nhũng trong chương trình hỗ trợ giá gạo, dẫn tới sự sụp đổ chính phủ, tình hình bất ổn tại quốc gia Đông Nam Á này sẽ càng thêm rối ren, bế tắc. Bởi vì lúc đó, rất có khả năng phe xuống đường sẽ là những người Áo đỏ và nguy cơ nảy sinh một cuộc nội chiến đang dần hiện hữu./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác