Lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn tham gia vào Quốc hội khóa XIV

(VOV5) - Công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử là nhiệm vụ hàng đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tổ chức thành công cuộc bầu cử dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật.

 
Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất vừa diễn ra tại Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước để thống nhất giới thiệu 500 người vào danh sách đại biểu quốc hội khóa XIV. Qua hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, nhiều ý kiến cho rằng: cơ cấu đại biểu quốc hội là cần thiết nhưng chất lượng mới là điều quan trọng. Do vậy, cần thiết phải lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn tham gia vào Quốc hội.

Lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn tham gia vào Quốc hội khóa XIV - ảnh 1
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha. (Ảnh: TTXVN)


Công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử là nhiệm vụ hàng đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tổ chức thành công cuộc bầu cử dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật. Qua hiệp thương, phần đông đề nghị tăng đại biểu quốc hội chuyên trách vì đại biểu chuyên trách có điều kiện thời gian để chuyên tâm với công việc của mình. Có như vậy, Quốc hội mới làm tốt hơn chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tăng số đại biểu Quốc hội chuyên trách

Theo ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, không nhất thiết chọn đại biểu Quốc hội phải là người đứng đầu cơ quan hành chính mà chỉ cần người đại diện cơ quan đó đủ tiêu chuẩn làm đại biểu quốc hội. Trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề cập việc tăng đại biểu chuyên trách và giảm đại biểu ở cơ quan hành chính. Ông Lê Truyền nhấn mạnh: “Theo tôi phải giảm nhiều chứ không chỉ nói là giảm. Lâu nay chúng ta chọn người đứng đầu là người Đại biểu Quốc hội, tuy nhiên người đứng đầu đã nhiều việc lại thêm Quốc hội nữa thì sẽ không làm tròn được tất cả các trách nhiệm. Trong khi đó có rất nhiều người khác có đầy đủ tiêu chuẩn và điều kiện để làm trách nhiệm của một đại biểu quốc hội”.

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng: dự kiến nhiệm kỳ này, các cơ quan có thẩm quyền cũng cố gắng giảm bớt số đại biểu khối các cơ quan hành chính địa phương trong Quốc hội: “Trong bối cảnh Quốc hội của chúng ta chưa phải hoạt động chuyên trách 100% thì việc tham gia của các thành viên Chính phủ, lãnh đạo một số bộ ngành trong Quốc hội theo tôi là rất cần thiết cho Quốc hội, nó giúp cho Quốc hội làm tốt hơn chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tôi được biết khối hành pháp, hành chính sẽ giảm sâu ở các địa phương. Theo đó sẽ có rất ít Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, giám đốc các sở ngành có trong cơ cấu Quốc hội khóa này”.

Đề cao chất lượng đại biểu

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội thì chất lượng hoạt động đại biểu Quốc hội đóng vai trò quyết định. Nhiều ý kiến cho rằng cùng với các tiêu chuẩn của đại biểu đã được quy định trong Luật tổ chức Quốc hội, trước những đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân, của công cuộc đổi mới và hội nhập, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV cần lựa chọn được những người xứng đáng với vai trò là đại biểu của dân. Ông Bùi Văn Xuyền, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, nêu ý kiến: “Hiện nay yêu cầu của Hiến pháp mới, yêu cầu của công cuộc đổi mới, yêu cầu của quyền dân chủ của người dân, bảo vệ quyền dân chủ của người dân rất là quan trọng, rất lớn. Tất cả các đạo luật, chính sách đưa ra hiện nay đang hướng về người dân. Cho nên đại biểu cũng phải có tầm hiểu biết về mặt luật pháp, chính sách, nhất là Hiến pháp hiện nay để bất cứ làm công việc gì cũng như quyết định những vấn đề quan trọng, giám sát, xây dựng pháp luật cũng phải xoay quanh đó để bảo vệ quy định của Hiến pháp, tránh vi hiến, xâm phạm đến quyền tự do dân chủ của công dân”.

Ông Nguyễn Quốc Thước, nguyên đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa 8, 9, 10,  cho rằng để củng cố và tăng cường niềm tin, sự kì vọng của nhân dân vào đại biểu Quốc hội, người đại biểu của dân phải kiên quyết đấu tranh bảo vệ đến cùng vì quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân: “Nếu người ứng cử đại biểu Quốc hội là cán bộ đảng, nhà nước thì càng phải thể hiện ý chí của một người đại diện cho nhân dân, có ý chí, có khí phách, đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, của Tổ quốc. Tóm lại, là người đại diện cho dân thì phải trong sạch, bên cạnh đó phải có khí phách và vì nhân dân”.

Với những thành quả đạt được trong nhiệm kì Quốc hội khóa XIII, cử tri và nhân dân cả nước tin tưởng và kì vọng, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV sẽ lựa chọn được những đại biểu thực sự tiêu biểu, có bản lĩnh, thực sự lắng nghe ý kiến cử tri, là cầu nối giữa cử tri với Đảng và Nhà nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác