(VOV5) - Luật Báo chí (sửa đổi) được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 05/4/2016, trong kỳ họp lần thứ 11 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.
Có đến 9 điểm mới trong các quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, đối tượng thành lập cơ quan báo chí, đặc biệt là các điểm mới liên quan đến liên kết trong hoạt động báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo... Những điểm mới này là cần thiết, tạo hành lang pháp lý để báo chí phát triển phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.
|
Cơ quan báo chí không phải là doanh nghiệp, hoạt động không nhằm mục đích kinh doanh. Ảnh: bienphong.com.vn |
Một trong các điểm mới của Luật Báo chí sửa đổi là cho phép các cơ quan báo chí được mở rộng liên kết hoạt động. Luật cũng tăng cường bảo vệ quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân theo những tư tưởng tiến bộ về tôn trọng và bảo đảm nhân quyền đã được quy định trong Hiến pháp 2013.
Liên kết nhưng không tư nhân hóa báo chí
Thực tiễn cho thấy liên kết trong hoạt động báo chí đã được thực hiện dưới nhiều hình thức để tạo ra một số sản phẩm báo chí như: trang thông tin điện tử tổng hợp, các ấn phẩm phụ, các chương trình phát thanh truyền hình liên kết. Cả nước hiện có khoảng 1610 trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó chỉ có 251 trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí, còn lại là các trang thông tin điện tử của các tờ báo có các cơ quan chủ quản hợp pháp. Sự phát triển ồ ạt của các trang thông tin điện tử tổng hợp dẫn đến sự cạnh tranh thông tin, sai phạm về mặt nội dung và tôn chỉ mục đích hoạt động của các trang thông tin điện tử này. Chất lượng các ấn phẩm phụ, các chương trình phát thanh truyền hình liên kết cũng không đảm bảo, do chạy theo xu hướng thu hút độc giả bằng thông tin thiếu kiểm chứng, giật gân, câu khách....
|
Quốc hội chính thức thông qua Luật Báo chí (sửa đổi), có hiệu lực từ đầu năm 2017. (Ảnh minh họa: Khánh Linh) |
Trong bối cảnh đó, Luật Báo chí sửa đổi đã đề cập trực diện, có những điều chỉnh để đưa hoạt động báo chí đi vào thực chất hơn. Cụ thể, Luật Báo chí sửa đổi nêu rõ các cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với các cơ quan báo chí khác, với pháp nhân, cá nhân có liên quan phù hợp lĩnh vực liên kết... Các lĩnh vực được liên kết được quy định chung cho các chương trình, kênh phát thanh truyền hình cũng như sản phẩm báo in, báo điện tử, cụ thể là: khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an ninh xã hội. Như vậy, Luật Báo chí sửa đổi đã cởi mở hơn khi đưa ra những tiêu chí luật pháp cho phép mở rộng liên kết trong hoạt động báo chí mà vẫn đảm bảo không tư nhân hóa báo chí. Sự mở rộng này là cần thiết, tạo môi trường công bằng, rộng mở và tạo điều kiện giúp các loại hình báo chí phát triển, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội để phát triển báo chí. Khi các liên kết đó được vận hành một cách lành mạnh, có hiệu quả thì đối tượng được hưởng lợi chính là công chúng, vì họ được tiếp cận với nhiều sản phẩm báo chí có chất lượng.
Mở rộng quyền tự do báo chí, đề cao trách nhiệm công dân của nhà báo
Luật Báo chí sửa đổi cũng quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm. Để bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, Luật quy định giới hạn rằng cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan chức năng có thẩm quyền, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ. Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí. Việc né tránh không cung cấp thông tin cho báo chí là hành vi bị xử lý vi phạm hành chính. Luật cũng cấm những hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Mặt khác, để nêu cao vai trò của nhà báo, trách nhiệm công dân của người làm báo, Luật Báo chí sửa đổi bổ sung, luật hoá những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Luật cũng quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí.
Chính thức có hiệu lực từ 1/1/2017, Luật Báo chí sửa đổi khi đi vào thực tế sẽ cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, góp phần bảo đảm cho các chủ thể tham gia hoạt động báo chí quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí cũng như cơ chế nhà nước bảo đảm mọi tổ chức cá nhân được thực thi quyền đó. Việc cho phép liên kết trong hoạt động báo chí cho thấy sự đổi mới kịp thời, đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực báo chí, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.