Luật báo chí sửa đổi: Hành lang quan trọng để báo chí cách mạng Việt Nam phát triển

(VOV5) - Luật Báo chí (sửa đổi) được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 05/4/2016. Luật quy định một cách chi tiết về quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân và tập thể hoạt động trong lĩnh vực này đồng thời tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của báo chí ở Việt Nam.

Luật báo chí sửa đổi: Hành lang quan trọng để báo chí cách mạng Việt Nam phát triển - ảnh 1
Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Báo chí (sửa đổi) ngày 21/3. (Ảnh: baobaohiemxahoi)


Luật báo chí (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sau hơn 20 lần sửa đổi dự thảo. Luật quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân theo những tư tưởng tiến bộ về tôn trọng của bảo đảm nhân quyền trong Hiến pháp. Luật cũng tăng cường bảo vệ những người hoạt động báo chí, tạo ra hành lang pháp lý rộng mở hơn cho sự phát triển của báo chí.


Tạo khung pháp lý đồng bộ để cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp


Về quyền tác nghiệp của báo chí, luật Báo chí (sửa đổi) quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm.         Để bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, luật Báo chí (sửa đổi) đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan chức năng có thẩm quyền đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ.


Luật báo chí sửa đổi: Hành lang quan trọng để báo chí cách mạng Việt Nam phát triển - ảnh 2


 Theo Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016, báo chí được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Về cung cấp thông tin cho báo chí, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí. Việc né tránh không cung cấp thông tin cho báo chí là hành vi bị xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.


Luật Báo chí (sửa đổi) còn quy định rõ báo chí được pháp luật bảo hộ và cấm những hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.


Để nêu cao vai trò của nhà báo, trách nhiệm công dân của người làm báo, luật Báo chí sửa đổi bổ sung, luật hoá những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Luật cũng quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí. Những hành vi cấm đăng, phát thông tin có sự tương thích với các quy định tại Bộ Luật hình sự năm 2015, các hành vi bị cấm khác đã tương thích với bộ luật Dân sự và các luật khác, đảm bảo tính khả thi trong thực tế.


Bảo đảm và mở rộng sự liên kết nhiều chiều trong hoạt động báo chí


Điểm nổi bật cần nhấn mạnh là sự liên kết này bảo đảm đối tượng người đọc được quyền hưởng lợi về nội dung và các cơ quan báo chí được quyền hưởng lợi về kinh tế trên thực tế, mà trước đây việc liên kết này chỉ thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật.


So với Luật Báo chí năm 1999, đối tượng thành lập cơ quan báo chí cũng mở hơn, cho phép các cơ sở giáo dục, các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài cũng được phép ra tạp chí khoa học; cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết và chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm mà không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Quy định này nhằm tận dụng các nguồn lực tham gia đầu tư vào nghiên cứu khoa học, khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của các ngành khoa học.


Luật sửa đổi cũng đã bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí, trong đó quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết; thời lượng tối đa được phép liên kết trong kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định và kênh thời sự - chính trị tổng hợp; thời lượng tối đa mà cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình.


Chính thức có hiệu lực từ 1/1/2017, Luật Báo chí (sửa đổi) đi vào thực tế sẽ cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, góp phần bảo đảm cho các chủ thể tham gia hoạt động báo chí quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí cũng như cơ chế nhà nước bảo đảm mọi tổ chức cá nhân được thực thi quyền đó. Luật tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác