(VOV5) -Mỗi nước đều có lý do riêng cho sự hiện đại hóa quân sự của mình song hệ quả của việc làm này là tạo ra sự nghi ngờ và đề phòng lẫn nhau, đẩy các quốc gia vào một cuộc cạnh tranh về sức mạnh quân sự.
Ngày 18/9, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách quốc phòng tài khóa 2018, trị giá 700 tỷ USD. Đây là mức tăng đáng kể so với chi tiêu năm 2017 và cao hơn gần 5% so với mức đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước Mỹ, nhiều quốc gia cũng tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng trong thời gian tới. Tuy nhiên việc các nước lớn gia tăng chi tiêu quốc phòng cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hòa bình, ổn định cho thế giới. Theo giới phân tích khi kinh tế dần hồi phục, các quốc gia trên thế giới lại càng đổ tiền nhiều hơn cho các chiến lược quốc phòng lớn.
Tiêm kích F-35, dòng máy bay đắt đỏ nhất của không quân Mỹ. Ảnh: Military. |
Một loạt quốc gia công bố tăng chi tiêu quốc phòng
Đạo luật cấp phép quốc phòng quốc gia 2018 được thông qua với sự ủng hộ áp đảo ở Thượng viện Mỹ, nơi đảng Cộng hòa kiểm soát. Đạo luật cho phép Hoa Kỳ tăng chi tiêu để mua mới các máy bay chiến đấu F-35, tàu chiến và xe tăng M1 Abrams; tăng mức lương quân đội thêm hơn 2% và cấp gần 5 tỷ USD cho các lực lượng đóng quân tại Afghanistan.
Cũng theo dự luật này, 8,5 tỷ USD sẽ được đầu tư để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ - cao hơn mức đề xuất của Tổng thống Trump 630 triệu USD, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên trong thời gian gần đây liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Gói ngân sách trên cũng cung cấp 60 tỷ USD cho các chiến dịch phản ứng nhanh tại nước ngoài và hỗ trợ tài chính cho một số chương trình an ninh của Mỹ với các đồng minh châu Âu.Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện, Thượng nghị sỹ John McCain, cho rằng tăng chi tiêu quốc phòng là cần thiết giúp đảm bảo các chiến dịch quân sự của Mỹ có đủ nguồn ngân sách để hoạt động suôn sẻ.
Việc Thượng viện Mỹ tăng chi tiêu cho quốc phòng năm 2018 vượt cả đề xuất ban đầu của Tổng thống Donald Trump cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc củng cố vị thế và tăng cường tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực quốc phòng.
Còn nhớ, khi tranh cử, Tổng thống Donald Trump cam kết tăng cường an ninh quốc phòng, kêu gọi tuyển thêm 90.000 binh sĩ chuyên nghiệp; xây dựng hải quân với lực lượng gồm 350 tàu chiến và mua thêm 100 tiêm kích cùng với việc tăng cường tiềm lực hạt nhân. Quan điểm của ông Trump là dùng chi tiêu quốc phòng để kích thích nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, giới phân tích không loại trừ khả năng chi tiêu quân sự Mỹ có thể tăng tới mức tối đa 1.000 tỷ USD dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Trước đó, đầu tháng 9, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết nước này cũng sẽ tăng chi tiêu quốc phòng trong năm tới lên thêm 1,6 tỷ euro. Đây là mức tăng lớn nhất trong vòng 6 năm qua và Pháp sẽ không dừng lại ở đó. Ông Edouard Philippe khẳng định việc tăng thêm chi tiêu quốc phòng sẽ tiếp diễn trong năm 2019 và 2020. Lý do là vì thế giới ngày nay đang thật sự nguy hiểm. T
rong khi đó, tại châu Á, cuối tháng 8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất ngân sách quốc phòng gần 48 tỷ USD cho tài khóa 2018 (từ tháng 4/2018) - mức ngân sách lớn nhất từ trước tới nay. Đề xuất của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nêu rõ mục đích tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa của nước này. Hàn Quốc, quốc gia cùng khu vực Đông bắc á với Nhật Bản, cũng cam kết tăng ngân sách quốc phòng từ mức 2,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay lên 2,9% trong vòng 5 năm tới.
Kiến tạo hòa bình cần thiết hơn tăng chi tiêu cho quốc phòng
Nguyên nhân của việc chi tiêu quân sự thế giới tăng trở lại khá dễ hiểu. Đó là sự căng thẳng đang tăng lên ở nhiều khu vực trên thế giới, chủ yếu là tăng cường cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, gia tăng sự cạnh tranh toàn cầu và những mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế do các vấn đề chưa được giải quyết.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc tăng chi tiêu quốc phòng mới chỉ là một phần trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Về vấn đề này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 16/3 từng tuyên bố để có thể đối phó với những mối đe dọa từ khủng bố thì cần nhiều hơn là tăng chi tiêu quân sự. Theo ông Guterres, một điều quan trọng nữa là "phải giải quyết triệt để căn nguyên gây ra chủ nghĩa khủng bố toàn cầu”.
Trong khi đó, người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh rằng thay vì mua sắm thêm tên lửa, vũ khí hạt nhân, máy bay chiến đấu, trực thăng và tàu sân bay, các nước cần đầu tư vào việc ngăn chặn khả năng xảy ra xung đột, tìm giải pháp cho các cuộc xung đột, chống bạo lực cực đoan, tham gia gìn giữ và kiến tạo hòa bình, thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững, tôn trọng nhân quyền và giải quyết kịp thời các cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Thế giới đang chứng kiến sự tăng mạnh về ngân sách quốc phòng của nhiều quốc gia có tiềm lực kinh tế. Mỗi nước đều có lý do riêng cho sự hiện đại hóa quân sự của mình song hệ quả của việc làm này là tạo ra sự nghi ngờ và đề phòng lẫn nhau, đẩy các quốc gia vào một cuộc cạnh tranh về sức mạnh quân sự. Điều này cũng ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trên thế giới.