Một Việt Nam thịnh vượng sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng APEC

(VOV5)- Hôm nay (7/9), tại thành phố Vladivostok thuộc miền Viễn Đông của Liên bang Nga diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2012 (CEO Summit) với chủ đề “Xử lý thách thức, mở rộng khả năng hợp tác”. Đây là Hội nghị quan trọng trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao APEC 2012, nơi gặp gỡ của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu khu vực nhằm thảo luận tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các thành viên. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có thông điệp gửi tới hội nghị. Đài Tiếng nói Việt Nam xin giới thiệu nội dung chính của thông điệp này.

Một Việt Nam thịnh vượng sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng APEC - ảnh 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Thông điệp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại APEC CEO Summit nhấn mạnh hơn bao giờ hết, các thành viên APEC đang cùng chia sẻ nhiều lợi ích và trách nhiệm chung to lớn. Đó là đẩy mạnh liên kết kinh tế duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tiếp tục duy trì vai trò đầu tàu của châu Á – Thái Bình Dương trong quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu; hỗ trợ các nền kinh tế thành viên phục hồi và phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Đó còn là cùng nhau ứng phó với các thách thức đối với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực và của toàn cầu, như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, phòng chống thiên tai, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, chênh lệch trình độ phát triển...


Một Việt Nam thịnh vượng sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng APEC - ảnh 2

Quang cảnh đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại sân bay Kneviche, Vladivostok.
Ảnh: Giản Thanh Sơn.


Chủ tịch nước khẳng định trong bối cảnh quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều chuyển biến nhanh, khôn lường, Việt Nam có lợi ích và mong muốn nỗ lực hết mình, cùng các thành viên APEC, gánh vác những trách nhiệm chung to lớn trên. “Việt Nam đang bước sang thời kỳ chiến lược phát triển mới - tiếp tục đổi mới toàn diện, tái cơ cấu nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó hội nhập kinh tế là nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Đây là khu vực luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với sự phát triển của Việt Nam trên mọi mặt kinh tế, đối ngoại, an ninh và phát triển. Hầu hết các đối tác mà Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hoặc có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam nằm ở châu Á - Thái Bình Dương.”


Dẫn chứng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ đây hiện là khu vực có đầu tư trực tiếp lớn nhất với 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu và 75% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định một trong những định hướng chính sách lớn của Việt Nam là góp phần củng cố các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa tầng nấc, từ tiểu vùng đến khu vực Đông Nam Á, Diễn đàn APEC và cả châu Á - Thái Bình Dương: “Việt Nam đang tập trung triển khai các cam kết, các chương trình thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ, kết nối khu vực nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN, liên kết kinh tế ASEAN với các đối tác, thực hiện các Mục tiêu Bogor. 11 trong 13 Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đang và sẽ đàm phán là với các đối tác nằm trong khu vực. Chúng tôi đang cùng các thành viên tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); mới đây đã khởi động đàm phán Hiệp định FTA với Hàn Quốc; sẽ khởi động đàm phán Hiệp định FTA với Liên minh thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan vào thời gian tới.”


Một Việt Nam thịnh vượng sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng APEC - ảnh 3


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh đây là những nền tảng để Việt Nam mở rộng hợp tác, liên kết khu vực trên tầm cao mới và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và quan trọng hơn là để góp phần duy trì sự phát triển năng động của châu Á - Thái Bình Dương. Ở trong nước, Việt Nam đang nỗ lực để ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng hợp lý, và triển khai Kế hoạch tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Việt Nam đang tích cực tìm các giải pháp để tái cơ cấu đầu tư công, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, và hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính; đồng thời quyết tâm chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách hành chính để tăng tính ổn định, minh bạch chính sách kinh tế, hoàn thiện cơ chế pháp lý cho đầu tư kinh doanh.

Chủ tịch nước khẳng định trong chặng đường 25 năm đổi mới vừa qua, các nước thành viên APEC đã luôn đồng hành với Việt Nam. Trong giai đoạn then chốt hiện nay và sắp tới, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ lớn hơn của cộng đồng quốc tế, nhất là những ý kiến đóng góp xây dựng chính sách, đề xuất và cùng triển khai các biện pháp cụ thể. Việt nam cam kết đã, đang và sẽ làm hết sức mình để tạo ra một môi trường thuận lợi, lành mạnh nhất để cộng đồng doanh nghiệp các nước thành viên APEC làm ăn, kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam. Bởi, một Việt Nam tăng trưởng, thịnh vượng sẽ góp phần tạo nên sự năng động, thịnh vượng chung của khu vực, đồng thời một Việt Nam tăng trưởng, thịnh vượng cũng sẽ đem lại những lợi ích cho chính các doanh nghiệp APEC./.

Phản hồi

Các tin/bài khác