(VOV5) -Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ quyết định hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cho thấy những khó khăn trong dài hạn của kinh tế Mỹ.
Lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định hạ lãi suất sau cuộc họp kéo dài 2 ngày cuối tháng 7. Quyết định trên không gây bất ngờ cho giới đầu tư bởi điều này liên tục được nhắc đến trong thời gian gần đây. Tuy nhiên điều đáng chú ý là FED cũng nhấn mạnh rằng cơ quan này có thể tiếp tục giảm lãi suất trong năm nay. Tuyên bố của FED được nhìn nhận là việc cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ phát triển song nó cũng là lời cảnh báo về xu hướng giảm tốc của kinh tế toàn cầu.
Trong cuộc họp kéo dài 2 ngày 30 - 31/7 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - bộ phận hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cơ quan này đã quyết định giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo đó, FED quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25% từ biên độ 2,25 - 2,5% xuống biên độ 2 - 2,25%.
Nguy cơ suy giảm tăng trưởng
Nhiều nhà phân tích cho rằng thông điệp chung của việc FED hạ lãi suất là về rủi ro suy giảm tăng trưởng, thay vì nói rằng nền kinh tế đã yếu đi. Hiện tại, các số liệu vĩ mô của Mỹ đều không phải là tệ. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này đang thấp nhất 50 năm và thị trường chứng khoán Phố Wall đang ở mức cao kỷ lục, một môi trường không phù hợp cho việc thay đổi chu kỳ lãi suất.
Chủ tịch FED Jerome Powell. - Ảnh: Reuters |
Việc cắt giảm lãi suất hiếm khi diễn ra trước những điều kiện thuận lợi như vậy. Tuy nhiên, dựa trên những triển vọng trong dài hạn, kỳ vọng lãi suất FED đã có sự thay đổi trong thời gian ngắn. Từ dự báo lãi suất tăng, FED đã chuyển sang dự báo duy trì lãi suất, và cuối cùng phát tín hiệu hạ lãi suất. Lý do đằng sau sự thay đổi này được cho là ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại lên nền kinh tế Mỹ, cộng thêm áp lực lạm phát quá yếu khiến các nhà hoạch định chính sách lo ngại. Trên hết, có một sự chậm lại rõ rệt trong sản xuất cũng như lợi nhuận doanh nghiệp dù nó không tệ như dự đoán. Tuy chưa có số liệu chính thức song so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 1,8% trong quý 2 vừa qua. Con số này giảm tốc mạnh so với mức tăng 3,1% đạt được trong quý 1. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng được dự báo sẽ giữ quanh ngưỡng 1,8% mỗi quý cho tới hết năm 2020.
Về biên độ hạ lãi suất, mặc dù giảm 0,25% lãi suất của FED không gây bất ngờ cho giới đầu tư song nó khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump thất vọng bởi trước đó, trên trang mạng Twitter, ông Trump đã liên tục đề nghị FED "cắt giảm mạnh" lãi suất để kích thích nền kinh tế.
Ông chỉ trích Chủ tịch FED Jerome Powell không thể thúc đẩy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3% trong năm 2019 và cao hơn nữa trong năm sau như cam kết của ông. Đáp trả những chỉ trích của Tổng thống, người đứng đầu Cục dự trữ Liên bang Mỹ ám chỉ rằng ngân hàng có thể sẽ giảm lãi suất do những bất ổn kinh tế, trong đó có các cuộc chiến tranh thương mại kéo dài của ông Trump với Trung Quốc và châu Âu, làm đầu tư kinh doanh sụt giảm mạnh.
Phản ứng dây chuyền
Việc FED hạ lãi suất có thể sẽ dẫn đến một "cuộc đua" giảm lãi suất trên toàn cầu. Ngay sau quyết định của Cục dự trữ Liên bang Mỹ, ngày 31/7, Ngân hàng trung ương Brazil quyết định cắt giảm 0,5% của mức lãi suất cơ bản 6,5% đã được duy trì từ tháng 3/2018. Quyết định điều chỉnh lãi suất được đưa ra nhằm hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latinh này trước triển vọng tăng trưởng yếu kém. Ðối với Trung Quốc, nhiều khả năng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng sẽ hạ lãi suất trong ngắn hạn. Việc cắt giảm lãi suất trên toàn bộ hệ thống có thể mang đến sự hỗ trợ ngay lập tức cho các doanh nghiệp Trung Quốc đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh thời gian qua.
2 ngân hàng trung ương lớn khác có thể sẽ nhanh chóng hạ lãi suất theo FED là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Thống đốc BOJ H.Kuroda từng tiết lộ rằng BOJ sẵn sàng gia tăng các biện pháp kích thích, nếu tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, tại cuộc họp chính sách hồi tháng 6 vừa qua, các quan chức ECB đã bày tỏ quan ngại rằng bất cứ động thái nới lỏng nào từ FED cũng có thể khiến đồng euro tăng giá, từ đó buộc ECB phải cắt giảm lãi suất như là một biện pháp để giúp tăng sức cạnh tranh cho kinh tế EU.
Nhìn tổng quan, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ quyết định hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cho thấy những khó khăn trong dài hạn của kinh tế Mỹ. Đồng thời động thái này cũng khiến triển vọng kinh tế thế giới u ám hơn, các rủi ro tài chính đang lớn hơn với tất cả các nền kinh tế trên thế giới.