Nấc thang mới trong cuộc đối đầu Nga - phương Tây

(VOV5) - Hôm nay (29/1), ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) tiến hành phiên họp bất thường tại Brussels (Bỉ). Trọng tâm cuộc họp là nhằm quyết định các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, liên quan tới những căng thẳng bùng phát trở lại gần đây ở Ukraine. Động thái này được đánh giá là sẽ khoét thêm mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây, đồng thời đẩy Ukraine lún sâu hơn vào khủng hoảng.


Nấc thang mới trong cuộc đối đầu Nga - phương Tây - ảnh 1
Quân đội Ukraine tại khu vực miền Đông (ảnh: AFP)


Nội dung bản thảo nháp gia hạn lệnh trừng phạt Nga thêm 9 tháng (tức đến tháng 12.2015) đã được soạn cho cuộc họp bất thường của ngoại trưởng các nước trong EU vào hôm nay (29.1). Các ngoại trưởng EU yêu cầu Uỷ ban châu Âu (EC) và Cơ quan đối ngoại châu Âu (EEAS) trong vòng một tuần đề xuất thêm danh sách những người chịu lệnh trừng phạt Nga. Phán quyết chính thức về việc gia hạn lệnh trừng phạt Nga sẽ được đưa ra sau cuộc họp này.

Lệnh trừng phạt hiện tại mà EU áp đặt lên Nga bắt đầu từ tháng 3/2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, sẽ hết hiệu lực vào tháng 3 năm nay. Lệnh trừng phạt này bao gồm việc đóng băng tài sản, cấm du lịch đối với nhiều người Nga và Ukraine. Trang web EUobserver cũng đăng tải thông tin EU đã đồng thuận mở rộng thêm những biện pháp giới hạn nhằm vào Nga và rất có thể một lệnh trừng phạt mới về kinh tế được thông qua.

Khoét sâu thêm mâu thuẫn

Có thể thấy sức ép kinh tế đối với Nga đang ngày càng gia tăng khi Mỹ và phương Tây liên tục thông qua những bước cấm vận ngặt nghèo hơn. Trước đó, Mỹ tuyên bố nước này loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT).

Giới phân tích nhận định, nếu bước đi mới này của Mỹ và các đồng minh phương Tây thành hiện thực, thì đây sẽ là một cú đánh mạnh vào nền kinh tế Nga vốn đang phải đối mặt với suy thoái. Moscow sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong các hoạt động giao thương quốc tế, thực hiện các hợp đồng mua bán hàng hóa và dịch vụ từ các đối tác nước ngoài. Việc bị loại khỏi hệ thống giao dịch tiền tệ quốc tế này sẽ gây ra nguy cơ đổ vỡ đối với hệ thống ngân hàng Nga. Trước đó, ngày 27/1, tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Standard & Poor's (S&P) đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của Nga từ BBB- xuống BB+, tức là mức vô giá trị. Thị trường chứng khoán Nga lập tức bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đồng Ruble tiếp tục lao dốc. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, Nga bị hạ bậc tín nhiệm xuống dưới mức khuyến nghị đầu tư.

Trước những cảnh báo về đòn trừng phạt mới của Mỹ và EU, Moscow tuyên bố sự phản kháng của Nga là không có giới hạn và cảnh báo mọi cơ hội đối thoại sẽ hoàn toàn khép lại. Đây được xem là lời tuyên chiến mạnh mẽ nhất từ trước tới nay mà Moscow dành cho Washington.

Những động thái đổ thêm dầu vào lửa

Rạn nứt trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng sau khi xung đột ở miền Đông Ukraine lan rộng. Kể từ sau lệnh ngừng bắn được ký kết cách đây 5 tháng, lực lượng nổi dậy thân Nga tiến hành chiến dịch mở rộng lãnh địa kiểm soát và tái khởi động chiến sự ở miền đông Ukraina bằng cuộc tấn công tổng lực khiến hàng trăm dân thường dân thiệt mạng. Các nước phương Tây cáo buộc Nga hậu thuẫn lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine. Quốc hội Ukraine thông qua tuyên bố lên án Nga đồng thời kêu gọi quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga và tăng thêm viện trợ cho Kiev. Quốc hội Ukraine cũng đề nghị cộng đồng quốc tế đưa Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk vào danh sách các tổ chức khủng bố. Trước những diễn biến căng thẳng mới ở miền đông Ukraine, các nước phương Tây đã có những động thái được cho là đổ thêm dầu vào lửa khi tiếp tục cung cấp vũ khí và kinh phí cho Kiev. Ba Lan tuyên bố Warsaw sẵn sàng bán mọi loại vũ khí cho chính quyền Ukraine. EU cũng nhất trí cho Kiev vay 1,8 tỷ euro (tương đương 2 tỷ USD) đồng thời để ngỏ khả năng tăng viện trợ trong thời gian tới. Nhiều chính phủ châu Âu, đi đầu là Anh cũng có ý định cung cấp cho Ukraine các khoản vay trung hạn trong hai năm 2015 - 2016 với tổng số tiền lên tới 2,6 tỷ euro.

Trừng phạt không phải là giải pháp tháo ngòi khủng hoảng

Rõ ràng, Ukraine đang đứng trước những bất ổn đáng lo ngại nhất kể từ đầu cuộc xung đột đến nay. Hy vọng cứu vãn hòa bình duy nhất là thỏa thuận Minsk có hiệu lực từ cuối năm 2014 ngày càng trở nên vô hiệu hóa bởi các bên liên quan không có thiện chí thực thi các cam kết.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine tính đến nay đã khiến hơn 5.000 dân thường thiệt mạng, hàng triệu người bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Kinh tế Ukraine rơi vào khủng hoảng trầm trọng, với việc đồng tiền bị mất giá hơn 50%, lạm phát tăng lên tới 25% và GDP ước tính sẽ giảm khoảng 7%.


C
ả chính phủ Ukraine và lực lượng vũ trang ở khu vực miền Đông đều không thể thay đổi tình hình vì đang bị chi phối quá nhiều bởi các yếu tố bên ngoài. Những động thái trừng phạt mới của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga hiện nay không thể giúp tháo ngòi cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Những diễn biến hiện nay là lời cảnh báo tình trạng căng thẳng sẽ leo thang khó lường ở quốc gia bên bờ biển Đen này./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác