(VOV5) -Hy vọng Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên sẽ tận dụng cơ hội này để kiểm soát tình trạng bất ổn trên bán đảo Triều Tiên.
Ngày 27/4, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra tại làng đình chiến Panmunjom. Việc ông Kim Jong-un đồng ý đàm phán sau hơn 6 năm theo đuổi chính sách phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa là một cơ hội hiếm hoi, có thể tạo tiền đề tiến tới phi hạt nhân hóa và đem lại hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Đoàn thể thao Triều Tiên và Hàn Quốc diễu hành chung tại Thế vận hội mùa đông 2018. (AFP)
Cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra tại tòa nhà Hòa bình, địa điểm nằm ở phía Hàn Quốc, trong làng đình chiến Panmunjom. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên kể từ năm 2007 nhưng là lần thứ 3 trong lịch sử quan hệ 2 nước (năm 2000; 2007 và 2018). Phủ tổng thống Hàn Quốc thông báo lịch trình của hội nghị thượng đỉnh sẽ bao gồm lễ chào mừng, các cuộc hội đàm và tiệc tối chính thức với sự tham dự của cả hai nhà lãnh đạo.
|
Khác biệt gì với 2 lần trước?
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên đầu tiên diễn ra vào năm 2000 ở Bình Nhưỡng giữa cố lãnh đạo Kim Jong Il và Tổng thống Hàn Quốc khi đó Kim Dae Jung. Lúc này, nền kinh tế của CHDCND Triều Tiên đang khủng hoảng buộc ông Kim Jong Il phải tìm cách có được sự giúp đỡ từ bên ngoài. Kết thúc cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã ký một thỏa thuận giảm căng thẳng, thúc đẩy nỗ lực tái thống nhất Bán đảo Triều Tiên, nổi bật là sự ra đời của khu du lịch núi Kim Cương và Khu công nghiệp chung Kaesong.
Tuy nhiên 1 số sự kiện xảy ra sau đó đã khiến 2 quốc gia lại rơi vào trạng thái nghi ngờ, và phải 7 năm sau, hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai mới được tổ chức giữa Tổng thống Hàn Quốc Roh Moh Hyun và cố lãnh đạo Kim Jong Il. Cuộc họp đưa đến thỏa thuận hợp tác cùng phát triển khu công nghiệp Kaesong. CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc cũng kêu gọi một thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên, kêu gọi đàm phán quốc tế về một hiệp định thay thế thỏa thuận đình chiến để chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Hai bên cũng nhất trí thiết lập một khu vực đánh bắt cá chung ở vùng biển tranh chấp phía Tây, đồng thời thường xuyên tổ chức hội nghị thượng đỉnh.
Khá giống với 2 cuộc gặp trước, bối cảnh diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 là kinh tế CHDCND Triều Tiên rơi vào khó khăn do các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên điểm khác biệt rõ nét nhất là Mỹ và Hàn Quốc đang có sự phối hợp chặt chẽ hơn nhiều cho sự kiện diễn ra ngày 27/4. Seoul đóng vai trò trung gian giữa Washington và Bình Nhưỡng trong khi cả Washington và Bình Nhưỡng đều có những động lực mạnh mẽ để đối thoại với nhau. Trong cuộc gặp ngày mai, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên sẽ thảo luận 3 nội dung chính gồm phi hạt nhân hóa, thiết lập nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ liên Triều.
Hoài nghi và hy vọng
Trong bối cảnh như vậy, dự đoán kết thúc hội nghị, hai bên có thể ra tuyên bố chính thức chấm dứt các hành động thù địch để thay thế cho hiệp định đình chiến năm 1953, song không chắc hai nhà lãnh đạo sẽ đi vào những chi tiết cụ thể như khung thời gian và mức độ phi hạt nhân hóa hoặc con số chính xác của việc giảm các vũ khí thông thường mà hai bên đang triển khai nhằm vào nhau. Thay vào đó, hai bên có thể sẽ tái xác nhận những mục tiêu cơ bản của các cuộc đàm phán trong tương lai như là phi hạt nhân hóa, hòa bình, các vấn đề nhân đạo và cải thiện quan hệ song phương.
Tuy nhiên cũng vẫn còn nhiều hoài nghi về kết quả cuộc gặp giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un khi mà ý định của Bình Nhưỡng sau sự chuyển hướng hành động đột ngột và cam kết phi hạt nhân của nước này vẫn chưa rõ ràng, kèm theo đó là những rào cản địa chính trị có thể tác động đến quá trình đối thoại. Bình Nhưỡng đã chủ động đưa ra một số cam kết trước thềm cuộc gặp. Song Bình Nhưỡng cũng từng sử dụng các chiến thuật tương tự trong các cuộc đàm phán trước đó.
Ngoài ra, "phiên bản" phi hạt nhân hóa của CHDCND Triều Tiên có thể đồng nghĩa với hàng loạt yêu cầu không thể chấp nhận được đối với Washington. Washington luôn phản đối việc phi hạt nhân hóa từng bước vì cho rằng đây là chiến thuật của CHDCND Triều Tiên nhằm chia tách vấn đề và đưa ra những đòi hỏi mới cho từng bước phi hạt nhân. Thay vào đó, Mỹ muốn CHDCND Triều Tiên dỡ bỏ chương trình hạt nhân trước khi trao cho Bình Nhưỡng bất kỳ nhượng bộ nào.
Sau 2 hội nghị thượng đỉnh liên Triều, quan hệ hai bên có được cải thiện nhưng đều bị lu mờ bởi các căng thẳng tiếp theo. Phải đến 11 năm sau, tín hiệu hòa bình mới trở lại và cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4 là điểm chốt quan trọng. Hy vọng Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên sẽ tận dụng cơ hội này để kiểm soát tình trạng bất ổn trên bán đảo Triều Tiên, giảm bớt nguy cơ chiến tranh không chỉ ở Bán đảo này mà còn cả khu vực.