Nam Sudan một năm sau ngày độc lập

(VOV5) - Nam Sudan, quốc gia trẻ nhất thế giới ở Đông Phi, vừa kỷ niệm tròn 1 năm ngày độc lập (9/7/2011 – 9/7/2012). Nam Sudan hiện nay phải đối diện với nhiều khó khăn cả về chính trị và kinh tế. 

Nam Sudan một năm sau ngày độc lập - ảnh 1
(Ảnh: tinmoi.vn)

Ngày 9/7/2011, Nam Sudan đã chính thức tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Cộng hòa Sudan, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần nửa thế kỷ giữa hai miền Nam-Bắc. Nhìn lại lịch sử, sau khi giành được độc lập vào năm 1956 từ sự thống trị của Ai Cập, chính quyền ở miền bắc Sudan được thừa hưởng toàn bộ những vùng đất có lợi thế địa chính trị do lịch sử để lại và mọi quyền lợi về chính trị, kinh tế đều tập trung vào chính quyền các bang ở miền Bắc. Sự chia rẽ của Sudan bắt nguồn từ khi những người đại diện cho chính quyền ở phía Nam cảm thấy mình bị gạt ra khỏi sân chơi chính trị, thấy cần thiết phải giành vị thế chính trị ngang bằng với chính quyền miền Bắc và Tổ chức Phong trào giải phóng dân tộc Sudan ra đời. Sau nhiều thập kỷ chìm trong nội chiến, Tổ chức Phong trào giải phóng dân tộc Sudan đã giành được quyền kiểm soát vùng lãnh thổ miền Nam đất nước và ngày 9/7/2011, Nam Sudan chính thức tuyên bố trở thành một quốc gia độc lập với thủ đô là Juba.

Tuy nhiên, sau khi giấc mơ độc lập thành hiện thực, quốc gia non trẻ này vấp phải vô vàn khó khăn thách thức. 1 năm sau, xung đột biên giới và xung đột về lợi ích kinh tế vẫn là những vấn đề không thể giải quyết được giữa Sudan và Nam Sudan, khiến khu vực này lúc nào cũng cận kề bên miệng hố chiến tranh. Trước hết là mâu thuẫn về phân chia lợi ích dầu mỏ. Trữ lượng dầu mỏ của Sudan ước tính khoảng 6,7 tỷ thùng/năm (lớn thứ 3 ở Châu Phi). Tuy miền Nam có nhiều mỏ dầu lớn nhưng miền Bắc lại kiểm soát đường ống dẫn dầu độc nhất cho phép chuyển dầu thô xuất khẩu đi các nước qua biển Đỏ. Theo hiệp định hòa bình chấm dứt nội chiến giữa hai miền Nam-Bắc ký năm 2005, nguồn lợi dầu mỏ được chia sẻ công bằng với tỷ lệ 50-50. Tuy nhiên, các quan chức miền Nam muốn thay thế cách phân chia này bằng trả phí trung chuyển cho việc sử dụng cơ sở hạ tầng ở miền Bắc. Nhưng kể từ khi ký thỏa hiệp hòa bình năm 2005 tới nay, hai bên đã nhiều lần đàm phán với nhau về vấn đề này mà chưa đi đến một kết quả cụ thể nào.

Trước khi độc lập, Nam Sudan thu được khoảng 70% dự trữ dầu mỏ, trong khi 30% còn lại thuộc về Sudan. Tuy nhiên, sau khi chia tách, Sudan muốn người láng giềng Nam Sudan trả 36 USD cho mỗi thùng dầu quá cảnh trong khi Nam Sudan chỉ sẵn sàng trả 1 USD. Mới đây, Nam Sudan đã đóng cửa các nhà máy sản xuất sau khi cáo buộc Sudan ăn cắp dầu trị giá hơn 800 triệu USD. Về phần mình, Sudan nói rằng họ tịch thu dầu thô để bù đắp chi phí mà Nam Sudan không trả cho họ. Những tranh cãi này khiến cho nền kinh tế hai nước đều bị tổn thương, đặc biệt là Nam Sudan. Mất đi nguồn thu chính từ dầu mỏ, cộng với tình trạng tham nhũng lan tràn khiến kinh tế Nam Sudan rơi vào kiệt quệ, lạm phát tăng cao lên tới 19%, giá lương thực tăng 120%, nửa dân số Nam Sudan sống dưới mức nghèo đói và tỉ lệ mù chữ ở thôn quê đến 90%, sản xuất nông nghiệp đình đốn. Dù đã từng được kỳ vọng là cái nôi nông nghiệp ở Đông Phi và được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng tốt, nhưng Tổ chức nông-lương Liên hợp quốc (FAO) gần đây đã cảnh báo về một nạn đói trong tương lai gần ở quốc gia này.

Ngoài phân chia lợi ích nguồn dầu mỏ, hoạch định đường biên giới giữa Sudan và Nam Sudan vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Vị thế đặc biệt của tỉnh biên giới Abyei, nằm ở thung lũng Muglad Basin giàu dầu mỏ, khiến hai bên không dễ dàng từ bỏ lợi ích của mình. Những vụ đụng độ nhỏ ở biên giới và các cuộc oanh tạc đã phá hủy nỗ lực hòa bình. 1 năm qua, mọi kế hoạch đàm phán và nỗ lực của cộng đồng quốc tế đều bị đổ vỡ. Các cuộc xung đột liên tục bùng phát đã phủ bóng đen lên hy vọng hòa bình, tìm kiếm giải pháp hóa giải mâu thuẫn giữa hai nước. Xung đột đẩy Nam Sudan vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Hàng chục nghìn người phải sống trong cảnh đói khổ, phải rời bỏ nhà cửa vì giao tranh. Nhà nước Nam Sudan ở thượng nguồn sông Nile bị ngập trong dòng người tị nạn đến từ biên giới Sudan. Cơ quan cứu trợ Liên hợp quốc ước tính, ít nhất 150 nghìn người tị nạn từ Sudan hiện đang ở Nam Sudan.

Cách đây một năm, người dân Nam Sudan hân hoan với niềm vui giành được độc lập. Những năm tháng chiến tranh và đói khát dường như là một thế giới đã xa. Nhưng giờ đây, quốc gia này đang rơi trở lại chiến tranh và một cuộc khủng hoảng lương thực và nước, một lần nữa không phải là bắt nguồn từ thiếu nguồn tài nguyên mà là do thất bại chính trị. Người dân hiện nay phải vật lộn để sống còn, đối mặt với nạn đói, bệnh tật, bom đạn, bạo lực. Dư luận đang trông đợi về kết quả cuộc đối thoại giữa Juba và Khartoum vào ngày  2/8 tới đây, thời hạn mà Liên đoàn châu Phi đưa ra, hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung để hóa giải xung đột. Hy vọng về một đất nước Nam Sudan thịnh vượng, nơi mà mọi người dân được sống no đủ, mọi đứa trẻ có thể đến trường sau gần 5 thập niên xung đột, không biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực?

Phản hồi

Các tin/bài khác