Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh - Ngoại giao vì con người

(VOV5) - Cái tên Việt Nam - Hồ Chí Minh luôn được người dân thế giới nhắc tới với sự ngưỡng mộ và kính trọng. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà chính trị lỗi lạc, danh nhân văn hóa mà còn là nhà ngoại giao xuất sắc. Tư tưởng đối ngoại và phong cách ngoại giao của Người là sự kết tinh truyền thống của dân tộc và tinh hoa của nhân loại. Phong cách ứng xử tài tình của Người trong hoạt động đối ngoại đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng như phong trào đấu tranh cho nền hòa bình chung của nhân loại.

Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh - Ngoại giao vì con người - ảnh 1 Nhân dân Ba Lan nồng nhiệt đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 7/1957. (Ảnh tư liệu)

Theo ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên Giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh chính là sự kết hợp chọn lọc giữa chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc và truyền thống ngoại giao Việt Nam,tạo thành bản sắc riêng cho ngoại giao Việt Nam. 

Phẩm chất của một thứ văn hóa tương lai

Ông Lê Hải Bình khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ không chỉ được người dân Việt Nam kính trọng mà còn là sự ngưỡng mộ, trân quý của bạn bè năm châu trên thế giới. Cái tên Việt Nam - Hồ Chí Minh luôn được người dân thế giới nhắc tới với sự ngưỡng mộ và kính trọng.  Trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thu hút người đối diện, bất kể người đó là ai, do ở Người có phẩm chất của một thứ văn hóa tương lai. Phẩm chất  đó khiến cho bất cứ ai đối diện, giao tiếp, tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể cả là kẻ thù và đối thủ, thì cũng đều dành sự tôn trọng nhất đối với Người. Ông Lê Hải Bình dẫn:  “Năm 1923, nhà báo và nhà thơ Liên Xô Ô. Manđenxtam đã gặp Bác Hồ mà khi ấy vẫn đang là chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc, đã có nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, có lẽ là một nền văn hóa của tương lai. Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương’’.

Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh - Ngoại giao vì con người - ảnh 2 Ông Lê Hải Bình, Phó trưởng ban chuyên trách, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên Giáo Trung ương. - Ảnh: TTXVN

Nhìn một cách tổng thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh mang trong mình tư tưởng, văn hóa nhân văn, nhân ái mang tính toàn cầu. Về biểu hiện bên ngoài thì Người lúc nào cũng rất giản dị hòa đồng, ứng xử lịch thiệp. Từ phong cách ứng xử đó toát lên sự tri thức nhưng cũng rất gần gũi. Có lẽ vì vậy mà Người giành được sự tôn trọng của bất cứ ai khi tiếp xúc với mình. 

Phong cách giao tiếp giàu giá trị văn hóa

Cho đến nay, nhiều tài liệu, nhân chứng và hồi ký của các chính trị gia, nhà sử học và các chính giới ở cả trong nước và quốc tế đều nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong cách giao tiếp là giản dị, tự nhiên, gần gũi và chân tình, giản dị mà lại sang trọng, lịch thiệp, gần gũi, hòa nhã nhưng mà vẫn đảm bảo sự nguyên tắc. Theo ông Lê Hải Bình, có thể nói trên thế giới hiếm có một nhà lãnh đạo nào mà có phong cách giao tiếp giàu giá trị văn hóa như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cái cốt lõi trong nghệ thuật ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở chỗ: “Thứ nhất, Người luôn xác định làm gì, tiếp xúc ngoại giao những gì thì đều luôn đặt lợi ích đó gắn liền với lợi ích của nhân dân - đây là điều luôn nhất quán. Thứ hai, trong ứng xử, Người luôn ứng xử một cách nhân văn và văn hóa. Thứ ba, Người luôn khéo trong việc định vị đối tượng giao tiếp để từ đó có những cách thức phù hợp và đúng mực, khiến cho người ta phải tâm phục khẩu phục”.

Ông Lê Hải Bình cũng dẫn lời nhiều nhà ngoại giao, nhà lịch sử và chính trị gia đã nói về phong cách ứng xử ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa dân tộc với sự am tường phong tục tập quán của các dân tộc trên thế giới để tạo thành nghệ thuật ứng xử ngoại giao. Tư tưởng đối ngoại và phong cách ngoại giao của Người là sự kết tinh truyền thống của dân tộc và tinh hoa của nhân loại.

Ông Lê Hải Bình kết luận ngoại giao Hồ Chí Minh – ngoại giao con người chính là sự kết hợp chọn lọc giữa chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc và truyền thống ngoại giao Việt Nam, mang lại bản sắc riêng cho ngoại giao Việt Nam. Ngoại giao con người theo phong cách Hồ Chí Minh chính là hiểu người khác, chia sẻ với người khác để họ hiểu mình hơn. Phong cách ngoại giao này mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, bao gồm: hòa hiếu và nhân nghĩa, hòa bình và khoan dung, ứng xử tinh tế, linh hoạt và mềm dẻo nhưng kiên định theo nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tất cả vì lợi ích của dân tộc. Thế giới ca ngợi phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh vì Người là một biểu tượng mẫu mực về đạo đức và phong cách ngoại giao của Người là tấm gương cho lãnh đạo và chính khách trong và ngoài nước học tập.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác